Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho biết, hệ thống được kết nối tự động với Cơ chế một cửa quốc gia để khai thác giúp sử dụng hiệu quả nguồn thông tin e-Manifest; đồng thời kết nối với hệ thống VNACCS/VCIS, E-Custom (V5) phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, cơ quan hải quan quản lý được toàn bộ diễn biến của hàng hoá xuất nhập khẩu toàn khu vực cảng, kho, bãi và lịch sử lô hàng từ khi vào Việt Nam. Hệ thống cũng giúp loại bỏ triệt để các tác nghiệp thủ công, sử dụng văn bản giấy trong một số công đoạn nghiệp vụ của công chức.
Theo đó, cơ quan hải quan tập trung lực lượng cho giám sát, kiểm soát đối với những lô hàng, doanh nghiệp trọng điểm có rủi ro cao, tránh việc kiểm tra, kiểm soát tràn lan. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phương thức quản lý rủi ro- một bước đi cụ thể trong áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế về quản lý hải quan hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống sẽ góp phần tinh gọn, tinh giản về tổ chức, biên chế.
Ngoài ra, giúp doanh nghiệp kinh doanh cảng được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình trạng cấp phép thông quan từ cơ quan hải quan với từng lô hàng, container, để giảm thiểu rủi ro trong thực hiện thủ tục giao, nhận hàng so với thực hiện bằng chứng từ giấy; có thể thực hiện bằng chứng từ giấy; thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ giao nhận hàng hoá, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, khoa học và minh bạch; nâng cao uy tín, tăng khả năng tiếp nhận, khai thác hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương, chính thức đưa vào hoạt động "Hệ thống Quản lý hải quan tự động tại cảng biển" tại Cục Hải quan Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN |
Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hệ thống trao đổi thông tin và xử lý dữ liệu 24/24 giờ, giúp doanh nghiệp hoàn toàn chủ động kế hoạch giao nhận hàng hoá tại cảng, không phụ thuộc vào thời gian làm việc của cơ quan hải quan. Ngoài ra, còn cắt giảm thủ tục xuất trình chứng từ giấy để cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát, rút ngắn thủ tục giao nhận hàng hoá từ 5-7 lần so với trước đây. Cùng với đó là cắt giảm về chi phí đi lại để giải quyết thủ tục đưa hàng ra, vào khu vực cảng.
Đối với hãng tàu và đại lý hãng tàu, nhờ việc giải phóng hàng hoá nhanh chóng nên thời gian quay vòng sử dụng vỏ container được rút ngắn, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng khai thác, nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải quốc tế.
Theo Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc, từ khi triển khai thí điểm (ngày 15/8/2017) đến nay, Hệ thống đã mang lại hiệu quả lớn trong cải cách, hiện đại hoá hải quan. Theo tính toán của doanh nghiệp, thời gian làm thủ tục để đưa hàng ra/vào cảng trung bình khoảng 2 phút/tờ khai. Như vậy, với lượng tờ khai Hải quan Hải Phòng khoảng 1,3 triệu bộ/năm, tổng lượng thời gian tiết giảm được lên tới hơn 40.000 giờ. Nhưng điều quan trọng hơn là việc giải quyết thủ tục nhanh chóng giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tạo uy tín và nâng cao sức cạnh tranh.
Trên cơ sở quy định của Luật Hải quan, các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Hải quan và đề xuất của Cục Hải quan Hải Phòng từ tháng 9/2016, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hải Phòng- đơn vị đầu tiên khởi động xây dựng và triển khai Đề án “ Kiểm tra, giám sát hàng hoá qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên hệ thống điện tử". Từ ngày 15/8 đến 13/11/2017 đã triển khai và hoàn thành kế hoạch thử nghiệm hệ thống tại 50 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thường xuyên có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Đến ngày 21/11 trên cơ sở đánh giá hiệu quả, lợi ích của việc áp dụng, triển khai đề án và nhận định khả năng mở rộng triển khai trong toàn ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan đã thống nhất gọi tên đề án là: hệ thống Quản lý Hải quan tự động tại cảng biển, đồng thời chuẩn bị triển khai trên phạm vi toàn quốc.