Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.478.949 tỷ đồng, tăng 6,4% so với 2018. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 99.832 tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm.
Tổng nộp ngân sách hợp nhất đạt 221.108 tỷ đồng, tăng 17,6% so với 2018. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty đạt cao so với năm 2018 như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 396.846 tỷ đồng, tăng 16,9%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,5%, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đạt 20.347 tỷ đồng, tăng 13,6%.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của 19 tập đoàn, tổng công ty như một số tổng công ty không hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch đã được Ủy ban giao về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước. Một số công trình dự án đầu tư kém hiệu quả, gây tổn thất vốn, tài sản của Nhà nước, điển hình là những dự án yếu kém ngành công thương chưa được xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với nhu cầu đề ra. Sắp xếp lại nhà, đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước(SCIC) còn chậm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải xem xét rõ vai trò trách nhiệm của Uỷ ban đến đâu, có chậm trễ không, có vướng mắc không và phối hợp với các Bộ ngành thế nào? Thủ tướng cũng yêu cầu, các tập đoàn, tổng công ty có mặt tại hội nghị phải hiểu rõ vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước và cần phải làm tốt hơn từ doanh thu, hiệu quả kinh doanh, quản trị doanh nghiệp chứ không thể cứ nêu khó khăn rồi bàn lùi.
Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trong năm 2020, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn hoặc xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, thống nhất và chưa hợp lý liên quan đến tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty do Uỷ ban làm đại diện sở hữu. Báo cáo các cấp, cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cụ thể của các tập đoàn, tổng công ty.
Ủy ban khẩn trương kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty còn khuyết các chức danh cán bộ quản lý hoặc cán bộ quản lý bố trí chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện chế độ luân chuyển, điều động cán bộ có đủ điều kiện giữa Uỷ ban với các tập đoàn, tổng công ty và giữa các tập đoàn, tổng công ty do Uỷ ban làm đại diện chủ sở hữu.
Ngoài ra, chủ động chỉ đạo việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chỉ đạo Tổng công ty lập kế hoạch và thực hiện tiếp tục cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp nhận theo đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, thực hiện đề án tái cơ cấu, tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đúng nội dung, kế hoạch và tiến độ, công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật.