Hỗ trợ này nhằm trao quyền cho các SIB chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới sản phẩm, tạo điều kiện để các tổ chức kinh doanh này phục hồi sau COVID-19 và tham gia tích cực vào hệ sinh thái kinh doanh SIB đang phát triển mạnh mẽ.
Đây là một phần của Dự án "Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (ISEE-COVID). Dự án ISEE-COVID nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các SIB với các mô hình kinh doanh khả thi và có tiềm năng tác động đáng kể về nông nghiệp, du lịch, giáo dục và y tế/chăm sóc sức khỏe. Sự kiện thu hút sự quan tâm từ 239 SIB.
Trải qua vòng sơ loại và thuyết trình được tiến hành kỹ lưỡng, 30 SIB xuất sắc từ nhiều vùng miền của Việt Nam đã được chọn tham gia Chương trình, với hơn 2/3 trong số đó là các doanh nghiệp lấy phụ nữ làm trọng tâm.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ, gói hỗ trợ trên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và thu hút sự tham gia của một số lượng lớn các doanh nghiệp SIB tham gia.
Trong năm 2021, nước ta có 31 doanh nghiệp SIB nhận gói hỗ trợ này và đều đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các SIB này đã xây dựng các kế hoạch kinh doanh có lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững như môi trường, chống biến đổi khí hậu, an sinh xã hội.
"Đặc biệt, sau khi nhận hỗ trợ, doanh thu của tất cả 31 SIB đều phục hồi và tăng trưởng so với năm 2021, trong đó SIB có doanh thu tăng cao nhất lên tới 19 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hai SIB đã tiếp cận được nguồn tài chính mới từ các nhà đầu tư với hơn tổng giá trị hơn 18 tỷ đồng. Ba SIB thành công xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường quốc tế", Thứ trưởng Trần Huy Đông nhấn mạnh.
30 SIB hoạt động đa dạng từ sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với phương pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cho đến sử dụng công nghệ mới để tạo việc làm cho người khuyết tật và thúc đẩy giáo dục hòa nhập.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil đánh giá, những nỗ lực tận tâm của SIB đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các khoảng cách xã hội và môi trường, tạo ra tác động tích cực ở Việt Nam. Khu vực SIB đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể, tạo cơ hội việc làm cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, thúc đẩy phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị cho hàng hóa chính hang, tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, cùng nhiều nỗ lực khác đã được công nhận trên toàn cầu.
"Mỗi nỗ lực này đóng vai trò như một nguồn cảm hứng. Chúng tôi tin tưởng rằng, các SIB sẽ trở thành tác nhân thành công tạo nên sự thay đổi, không chỉ cho chính họ mà còn cho cộng đồng và quốc gia." - Đại sứ Shawn Steil phát biểu.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi chúc mừng các SIB đã được lựa chọn và bày tỏ hy vọng rằng các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa lợi ích của chương trình để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của mình.
"Chúng tôi tin rằng, chương trình này sẽ cung cấp kịp thời hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết để giúp SIB xác định các giải pháp phục hồi kinh tế, tăng trưởng trong tương lai," bà chia sẻ Ramla Khalidi.
Với sự hỗ trợ của dự án, các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới được thử nghiệm đủ sáng tạo, bền vững, có khả năng mở rộng và phù hợp để giải quyết các vấn đề trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Các doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ dự án được kỳ vọng sẽ trở thành những tác nhân chính xây dựng và phát triển Hệ sinh thái ISEE-COVID.