Theo ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, trước dịch COVID-19, Long An có 1.553 doanh nghiệp hoạt động với 199.211 lao động. Hiện tỉnh có 816 doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" và đang hoạt động với 63.993 người lao động. Điều này tạo sự phấn khởi trong doanh nghiệp và người lao động.
Chị Lý Ngọc Nữ, quê ở tỉnh Vĩnh Long, là công nhân Công ty In Đỉnh Cao (vốn đầu tư Đài Loan - Trung Quốc) ở huyện Bến Lức, đã có 9 năm gắn bó với Công ty. Chị cho biết, trở lại làm việc cách đây ít ngày khi Công ty hoạt động sau thời gian nghỉ dịch, chị rất mừng vì từ nay có việc làm, có thu nhập lo cho con cái ăn học và trả tiền thuê nhà trọ. Lúc đầu dịch bùng phát, chị Nữ cũng có ý định về quê, nhưng sau đó, chị nghĩ đã có thời gian làm việc lâu năm, nếu về sau này khó trở lại làm việc nên chị quyết định không về.
Không riêng chị Nữ, đa số người lao động tại đây đều vui mừng vì đã được làm việc sau thời gian tạm nghỉ để phòng dịch. Chị Lê Kim Huệ, quê ở Cần Thơ, cũng là Công nhân Công ty In Đỉnh Cao cho biết, chị nghỉ 2-3 tháng nay nhưng không thể bỏ về quê. Trong thời gian nghỉ dịch, Công ty đều hỗ trợ chi phí sinh hoạt nên khi Công ty hoạt động trở lại, chị Huệ rất phấn khởi.
Anh Nguyễn Lam Giang, Quản lý chất lượng, Công ty In Đỉnh Cao cho biết, trước khi dịch bùng phát, Công ty có gần 200 người lao động, trong đó khoảng một nửa ở công nhân ở TP Hồ Chí Minh, còn lại đang tạm trú tại huyện Bến Lức. Hiện tại, tất cả công nhân được tiêm vaccine 1 mũi phòng COVID-19 và trong số này có khoảng 50% đã tiêm đủ 2 mũi.
Trước đây, huyện Bến Lức có khoảng 180 doanh nghiệp đăng ký hoạt động “3 tại chỗ” với số lượng công nhân trên 10.000 người. Thời điểm này, Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương khẩn trương phối hợp với các địa phương thẩm định để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất. Trong đó, Bến Lức có trên 240 doanh nghiệp được thẩm định, số công nhân đăng ký làm việc trở lại, kể cả “3 tại chỗ” là trên 25.000 người.
Theo ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, hầu hết doanh nghiệp, công nhân trên địa bàn huyện rất háo hức trở lại làm việc bởi số lượng công nhân được tiêm 1-2 mũi vaccine tương đối cao và không có tư tưởng muốn quay về.
Theo chỉ đạo của tỉnh, huyện và các Sở ngành, tăng cường kiểm tra, thẩm định các doanh nghiệp để các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất. Ông Trần Văn Tươi cho biết, hy vọng với tình hình dịch bệnh đang được đẩy lùi, các huyện trọng điểm, trong đó có Bến Lức sẽ sớm khôi phục sản xuất để ổn định, phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, tỉnh Long An có 183 doanh nghiệp có công nhân mắc COVID-19 (chiếm 11,8% tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp) với 3.217 ca F0 ( chiếm 1,61% tổng lao động). Hiện các doanh nghiệp đã có 2.710 ca F0 đã khỏi bệnh (chiếm 84% số ca F0) và 502 F0 đang điều trị (chiếm 16%) với tiến triển tốt.
Long An đã tổ chức cho 48.790 lao động đang hoạt động “3 tại chỗ” được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (trong đó, có 43.678 lao động đã được tiêm mũi 2).
Không chỉ tiếp tục ưu tiên phủ mũi 2 cho công nhân lao động (thậm chí đối với người từ các địa phương khác đến làm việc nhưng chưa được tiêm vaccine), Long An còn chủ động thực hiện linh hoạt các biện pháp khi tình hình dịch COVID-19 có sự thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng chống dịch - mục tiêu quan trọng song hành cùng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh.