'Cứu' doanh nghiệp, còn nhiều khoảng cách từ chính sách đến thực tế

Trong 9 tháng năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp vẫn mong các nhóm giải pháp hỗ trợ “tiền tươi thóc thật”.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã phần nào giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách,  đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị: Nhà nước cần có sớm Hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới; kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất kinh doanh. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Trong gần 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cách thiết kế chính sách cho doanh nghiệp luôn đặt họ vào vai hoặc là được, hoặc là bị, hoặc là phải, tức là tính chủ động không cao. Trong khi bản thân doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể chính trong bài toán phục hồi kinh tế, của việc thực hiện mục tiêu kép.

Khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là sức khỏe tài chính. Hoạt động ngày càng khó khăn, dòng tiền vào thì ít và chi ra thì liên tục nên mọi sự hỗ trợ dù lớn, dù nhỏ đều rất tốt. Những chính sách tài khóa, tiền tệ đều là “phao cứu sinh” của doanh nghiệp. Tuy nhiên giữa kỳ vọng với thực tiễn áp dụng chính sách vẫn còn những khoảng cách nhất định.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước (NSNN) còn nhiều áp lực, những đề nghị giảm thuế, phí và những khoản phải nộp không thể nào có những quyết sách quá mạnh như cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, trong khi chính sách lại áp dụng cho số đông. Tức là chưa có chính sách đi vào nhóm chuyên sâu, đặc thù mà áp dụng cho tất cả đối tượng chịu sự ảnh hưởng. Do vậy, nguồn lực của Nhà nước thì vừa phải mà lại san đều nên mỗi doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng hạn chế.

Mức độ hỗ trợ còn ít vì đối với chính sách “giảm thu”, doanh nghiệp nào còn doanh thu mới được thụ hưởng, trong khi doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh, thâm chí bằng không, dẫn đến tỷ lệ thụ hưởng chính sách hạn chế.

Đối với chính sách liên quan đến ngân hàng, dù thời gian qua đã có hướng dẫn, tuy nhiên doanh nghiệp cũng phản hồi quá trình thực hiện ở phía ngân hàng còn chưa đồng nhất. Thực tiễn tiếp cận chính sách từ khối ngân hàng còn khoảng cách tương đối lớn với những quyết sách. 

Bộ máy thực thi chính sách chưa tốt như mong muốn, chất lượng thực thi không đồng đều nên doanh nghiệp mong muốn việc thiết kế chính sách phải làm sao để doanh nghiệp thực hiện được. Các chính sách như giảm tiền điện, giảm thuế… thường có các điều kiện, tiêu chí rõ ràng, do đó doanh nghiệp rất dễ được thụ hưởng, tạo hiệu ứng tốt trong thực tiễn. 

Theo bà, để gia tăng hiệu quả, giúp chính sách đi vào cuộc sống, cứu doanh nghiệp trong bối cảnh dại dịch nhiều khả năng còn kéo dài, cơ quan quản lý Nhà nước từng lĩnh vực cần có những giải pháp cải thiện ra sao, đặc biệt đơn giản hóa các thủ tục cứu trợ? 

Đối với chính sách thuế, tín dụng, vấn đề đầu tiên doanh nghiệp gặp phải là câu chuyện hiểu chính sách. Các quy định hiện nay không dễ để người dân và doanh nghiệp đọc là hiểu được ngay.
Tiếp theo là bài toán tiếp cận. Trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều chính sách đã được triển khai nhưng đến khâu chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, trao đổi trực tiếp với cán bộ công chức các cấp thì lại phát sinh những bất cập, vướng mắc.

Những ngày qua Ban IV đang thực hiện nhiệm vụ được Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng giao đó là khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy trình thủ tục trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Qua tiếp nhận ban đầu, thấy có không ít “than phiền” liên quan đến việc hồ sơ thủ tục còn phức tạp, trong đó có cả thủ tục về thuế, phí, lệ phí, thủ tục trong khối ngân hàng.

Thực tế năm 2020 đã chứng kiến nhiều phản hồi về yêu cầu, điều kiện để tiếp cận chính sách còn quá phức tạp dẫn tới kết quả thụ hưởng cơ chế chính sách chưa cao. Đến năm 2021 dù có nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn bất cập về cách truyền đạt chính sách, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chưa thực sự nhiệt tình. Những phản hồi mà Ban IV nhận được về cách cán bộ công chức, người có trách nhiệm tương tác với người dân, doanh nghiệp còn nhiều vấn đề chúng ta phải suy ngẫm để cải thiện trong thời gian tới.

Doanh nghệp băn khoăn về thời gian và công sức bỏ ra so với khoản tiền nhận được hỗ trợ. Có những quy trình thủ tục làm rất mất công, mất sức, thậm chí chứng minh hàng tập hồ sơ nhưng phần hỗ trợ nhận được không tương xứng nên cuối cùng doanh nghiệp "bỏ cuộc"

Vậy theo bà, nguyện vọng hiện nay của doanh nghiệp là được cơ quan quản lý Nhà nước đặt vào trong bài toán phục hồi kinh tế cùng quản lý về tính an toàn, rủi ro trong bối cảnh dịch, thay vì chỉ là đối tượng chịu sự quản lý, hoặc được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, được giải cứu?

Tài chính, đồng tiền như là máu của doanh nghiệp, tất cả mọi sự hỗ trợ mặc dù rất đáng quý nhưng để nói có thể vực dậy được hay chưa thì chưa đủ, vì nguồn lực chung đều hạn hẹp. Vì vậy nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là được hoạt động. 

Như đã nói, cách thiết kế chính sách cho doanh nghiệp hiện nay chưa đặt doanh nghiệp vào thế có thể chủ động. Cho nên nguyện vọng thứ hai của doanh nghiệp chính là tính chủ động.

Bên cạnh đó hoạt động đối thoại công tư cần được đẩy mạnh. Lâu nay đây là hoạt động chưa được đẩy mạnh, thực chất. Hiện nay chúng ta chủ yếu nghe doanh nghiệp kêu, tức là khó là kêu mà kêu với các cơ quan, tổ công tác. Trong khi đó tại sao chính các cơ quan xây dựng soạn thảo chính sách không chủ động đối thoại, chủ động đánh giá cùng doanh nghiệp xem hiệu ứng như thế nào, hiệu quả ra sao, có nội dung gì cần điều chỉnh hay không? Những cơ chế đó vô cùng cần thiết trong giai đoạn tới.

Các chương trình hỗ trợ cần có kênh đánh giá độc lập về hiệu quả triển khai. Nhiều cơ quan quản lý chỉ ban hành chính sách là xong nhiệm vụ. Việc triển khai thực tế, mức độ thụ hưởng còn thấp thì dù chính sách nêu ra tốt đẹp đến đâu cũng không còn nhiều ý nghĩa. Điều đó là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự tôn trọng tới cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời cho phép doanh nghiệp đóng góp tâm - trí - lực đồng hành với cơ quan quản lý Nhà nước. Vì giải một bài toán khó khăn trong bối cảnh đại dịch thì không có một cơ quan nào có thể làm thay tất cả.

Để giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, Ban IV đã có Báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những nội dung chính ra sao, thưa bà? 

Giải pháp không tốn nhiều nguồn lực mà doanh nghiệp đều được thụ hưởng là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn của các quy định pháp luật còn gây phiên hà, chồng lấn. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa để tạo hiệu ứng lớn trên thực tế, tạo nên nhiều lực đẩy, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Ban IV đã có những kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp như: Thứ nhất, Chính phủ và các bộ ngành địa phương cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức cho phép doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp trở thành chủ thể tham gia vào các hoạt động quản lý sự an toàn trong bối cảnh dịch, thay vì chỉ là đối tượng chịu sự quản lý như trước đây.

Thứ hai, trong mọi bối cảnh của dịch bệnh, các cấp chính quyền và người dân, doanh nghiệp cần có cùng tư duy phải duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, yếu tố hợp tác công - tư là điều kiện then chốt để tập hợp sức mạnh, nguồn lực các bên, vì vậy trong mọi khâu phải có vai trò của phía tư nhân một cách chủ động.

Thứ tư, xây chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải có cơ chế giám sát và phải công khai, minh bạch cơ chế này để người dân, doanh nghiệp có thể biết và phản hồi thông tin từ thực tiễn.

Xin trân trọng cảm ơn Bà!

 

Chú thích ảnh
Minh Phương/Báo Tin tức
Thay đổi mô hình phòng chống dịch, thời gian ‘vàng’ cứu doanh nghiệp
Thay đổi mô hình phòng chống dịch, thời gian ‘vàng’ cứu doanh nghiệp

Thay đổi chiến lược để “sống chung an toàn với COVID-19” cũng như mô hình sản xuất, kinh doanh linh hoạt, an toàn trong điều kiện mới là giải pháp để cứu nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp vực dậy, hồi sinh. Báo Tin tức đăng tải ý kiến một số chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN