Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp chứng khoán và nhà đầu tư.
Rủi ro mất vốn
Không chỉ có lãi suất cao, các công ty chứng khoán cũng đưa ra nhiều kỳ hạn cho nhà đầu tư dễ dàng tham gia, thậm chí kỳ hạn 1 tuần cũng có mức lãi suất tương đối hấp dẫn, từ 2 - 3%/năm. Trong khi đó, các ngân hàng thường chỉ áp dụng mức lãi suất dưới 0,3%/năm cho kỳ hạn ngắn ngày này.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải, thị trường chứng khoán đi lên suốt từ đầu tháng 4/2020 đến nay và VN-Index đã chạm lại mốc điểm lịch sử, thanh khoản tăng đột biến khiến sàn HOSE liên tiếp nghẽn lệnh. Nhu cầu tín dụng cho thị trường chứng khoán cũng tăng cao và việc sử dụng đòn bẩy tài chính được khuyến khích.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính tới thời điểm cuối tháng 12/2020, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán là 87.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến ngày 31/12, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán là gần 81.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định, công ty chứng khoán không được cho vay quá 2 lần vốn chủ.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, dư nợ margin năm 2020 tăng là do thanh khoản của thị trường tăng. Theo đó, tính tới cuối năm 2020, dư nợ margin toàn thị trường đã tăng 58,6%, trong khi thanh khoản của thị trường tăng 59,3%.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính nếu thực hiện theo phương thức “bơm vốn” của các công ty chứng khoán hay từ các ngân hàng thương mại sẽ không có gì đáng nói, nhưng nếu thực hiện theo hình thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư” sẽ gây ra những rủi ro cho cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư.
Nếu thị trường đi lên thì bên đi vay và bên cho vay đều đạt được mục đích, nhưng trường hợp thị trường đi xuống, công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, hoặc có vấn đề gì đó khiến công ty chứng khoán mất vốn; trong đó có cả tiền của nhà đầu tư. Công ty chứng khoán không có khả năng trả nợ, các nhà đầu tư cho công ty chứng khoán vay sẽ mất tiền. Điều này khác với việc nhà đầu tư gửi tiền ở ngân hàng được bảo hiểm tiền gửi 100%.
Vì vậy, ông Hải khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trong việc cho công ty chứng khoán vay, lựa chọn công ty chứng khoán có khả năng quản lý tốt, tiềm lực tài chính mạnh, hoặc chỉ gửi tiền trong ngắn hạn. Trường hợp không thẩm định được năng lực tài chính, quản trị của công ty chứng khoán thì tốt nhất là gửi ngân hàng.
“Tôi nghĩ là nhà đầu tư có thể để tiền nhàn rỗi ở một ngân hàng, lúc nào cần giải ngân thì lại gửi vào vì giờ có tiết kiệm điện tử, như vậy sẽ an toàn hơn”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, việc các công ty chứng khoán sử dụng “Hợp đồng hợp tác đầu tư” để huy động vốn tạm thời nhàn rỗi của nhà đầu tư, thực hiện cho nhà đầu tư khác vay lại, hưởng chênh lệnh lãi suất về bản chất là việc đi vay và cho vay lại. Đây thực chất là việc huy động vốn của các công ty chứng khoán.
Việc thị trường chứng khoán “bùng nổ”, giao dịch sôi động và thanh khoản mỗi phiên khớp lệnh 15.000 - 20.000 tỷ đồng, khiến nhu cầu nguồn vốn tín dụng cho chứng khoán cũng tăng lên. Các công ty chứng khoán phải huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau; trong đó có nguồn vay từ ngân hàng để bổ sung nguồn vốn cho thị trường.
Công ty chứng khoán huy động vốn từ nhà đầu tư và trả lãi cao hơn so với mức lãi mà nhà đầu tư gửi ngân hàng nhận được. Điều này giúp doanh nghiệp chứng khoán có thể huy động được vốn rẻ hơn so với mức vay ngân hàng.
Hiện nay việc sử dụng “Hợp đồng hợp tác đầu tư” để huy động vốn ngày càng phổ biến vì những các quy định về cho vay đối với chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước là rất chặt chẽ.
Tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, tỷ trọng vốn cho vay chứng khoán chỉ chiếm rất nhỏ trong tổng giá trị tín dụng của hệ thống ngân hàng, khoảng 0,3%. Tỷ lệ nợ xấu đối với cho vay chứng khoán cũng rất nhỏ.
Trong điều kiện cạnh tranh, việc tìm kiếm nguồn để trợ vốn cho nhà đầu tư quay lại giao dịch trở thành “dịch vụ” trọng điểm của doanh nghiệp chứng khoán.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cho vay nhiều sẽ gây ra những rủi ro lớn, đặc biệt khi mặt bằng giá chứng khoán cao thì rủi ro ngày càng lớn. Thực tế cho thấy, nhiều năm nay câu chuyện nhà đầu tư thua lỗ vì sử dụng đòn bẩy tài chính là rất nhiều.
Giải pháp tăng vốn sở hữu
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), dư nợ cho vay margin (giao dịch ký quỹ) sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, do thanh khoản cải thiện và tỷ lệ thâm nhập thị trường gia tăng.
Quan trọng hơn, các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng, mở rộng tín dụng cho các công ty dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp, hoặc cho vay margin, với các điều khoản linh hoạt hơn so với tín dụng ngân hàng.
So với cho vay margin truyền thống, các công ty chứng khoán còn nhiều cơ hội để mở rộng các khoản vay kinh doanh cho doanh nghiệp trên quy mô rộng hơn nhiều.
Theo ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, hiện tại nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư là nhiều, nhưng nhiều công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu thấp nên họ không thể đối ứng tài sản có để mở rộng nguồn vay cho nhà đầu tư. Vì vậy, các công ty chứng khoán đang có kế hoạch nâng vốn chủ sở hữu một cách nhanh chóng để nâng giới hạn margin được phép cho vay.
Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp đôi bằng việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới).
Mục đích sử dụng vốn của công ty là mở rộng cho khách hàng vay ký quỹ, kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, bảo lãnh phát hành trái phiếu, phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng lên hơn 4.400 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán HSC (mã chứng khoán: HCM) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hữu hữu để tăng vốn theo tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới). Giá phát hành của công ty là 14.000 đồng/cổ phiếu. Công ty dự kiến sử dụng 2.135 tỷ đồng huy động được để cho vay ký quỹ (1.495 tỷ đồng), bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành (427 tỷ đồng) và vốn cho tự doanh (213,3 tỷ đồng).
Tiếp đến, Công ty Chứng khoán Đà Nẵng (mã chứng khoán: DSC) cũng mới lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để nâng vốn điều lệ tăng từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Chứng khoán Đại Nam cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 160 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Hai phương thức được công ty này áp dụng là phát hành 16 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ phát hành 1:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2,75 hoặc chào bán riêng lẻ không quá 100 nhà đầu tư.
Mục đích tăng vốn của Công ty Chứng khoán Đại Nam là cho vay margin, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán phái sinh và các hoạt động khác.
Thực tế, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, các doanh nghiệp chứng khoán cũng đạt kết quả kinh doanh rất “ấn tượng”. Đặc biệt là khi dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán thì đây vẫn sẽ là cơ hội để các công ty chứng khoán tận dụng thời cơ để tăng vốn.
Thị trường chứng khoán luôn luôn thay đổi và doanh nghiệp chứng khoán cũng thay đổi để đáp ứng thị trường. Giới chuyên gia nhận định, giải pháp bền vững đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường chứng khoán vẫn là tăng cường vốn tự có của chính công ty chứng khoán.