Công ty Nhôm Đắk Nông có nguy cơ phải giảm tải hoặc ngưng hoạt động Nhà máy Alumin Nhân Cơ nếu việc giải phóng mặt bằng tiếp tục gặp vướng mắc, dẫn tới việc khai thác bô xít bị ngưng trệ. Thêm nữa, các hạng mục khác của Nhà máy Alumin Nhân Cơ như hồ chứa, hồ bùn đỏ, đập… cũng đều đang vướng công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, mỗi năm công ty cần khoảng 70 - 80 ha đất sạch để khai thác quặng bô xít, ông Nguyễn Bá Phong thông tin thêm.
Trong khi đó, theo một số hộ dân có đất thuộc diện thu hồi để phục vụ khai thác quặng bô xít, các vấn đề liên quan tới công tác kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người dân.
Gia đình ông Lương Văn Nghị (ngụ thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp) có gần 1 ha đất trồng các loại cây cà phê, tiêu, điều… thuộc diện thu hồi để khai thác quặng bô xít. Việc kiểm kê đã hoàn thành, gia đình đồng thuận với quyết định thu hồi đất và đã nhận tiền đền bù từ năm 2020. Tuy nhiên đến nay gia đình ông Nghị vẫn chưa nhận được đất tái định cư.
“Gia đình chúng tôi đã mua đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân, cách đây khoảng 15 km. Tuy nhiên, khu vực đó ở xa, đi lại khó khăn nên việc học hành của các cháu rất bất tiện. Theo quy định thì gia đình được nhận một lô đất tái định cư nhưng tới nay, sau hơn 3 năm nhận tiền đền bù, chúng tôi vẫn chỉ nhận được thông tin là “đang triển khai” xây dựng tái định cư” - ông Nghị thông tin thêm.
Còn bà Hoàng Thị Điều (thôn Quảng Sơn, xã Nghĩa Thắng) thì cho rằng, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần rõ ràng, dứt khoát, nhanh hơn trong kiểm kê, áp giá, đền bù giải phóng mặt bằng. Gia đình bà có hơn 1 ha đất thuộc diện thu hồi nhưng lại bị chia việc chi trả tiền đền bù làm ba đợt, trong thời gian hơn 2 năm. Thực trạng này khiến việc mua đất đai, xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống sau khi bàn giao đất cho Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.
Theo UBND huyện Đắk R’Lấp, hai vấn đề vướng mắc nhất trong giải phóng mặt bằng khai thác quặng bô xít hiện nay là giá đền bù và tái định cư. Việc tái định cư cho các hộ dân đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ trong Luật Đất đai và các văn bản liên quan. Cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành các nghị quyết xây dựng 6 khu tái định cư trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp và huyện đang đẩy nhanh tiến độ để cấp tái định cư cho các hộ dân.
Ông Đỗ Thanh Cát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R'Lấp cho biết, hiện nay, UBND huyện Đắk R’lấp chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền các xã Đắk Wer, Nghĩa Thắng tập trung cho kiểm kê, đền bù và sớm chi trả tiền cho các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi. Bên cạnh đó, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để phân lô, cấp đất tái định cư cho dân. Trong thời gian chưa có tái định cư thì triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho bà con.
Tại cuộc họp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ được tổ chức vào đầu tháng 2/2023 vừa qua, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo UBND huyện Đắk R’Lấp phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân (đã nhận tiền đền bù - PV) bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Trường hợp đã tính đúng, tính đủ (việc kiểm kê, đền bù - PV) và đã vận động mà vẫn chây ì thì củng cố hồ sơ, cưỡng chế theo quy định pháp luật.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo huyện Đắk R’Lấp tập trung, ưu tiên triển khai trước 2/6 khu tái định cư để kịp thời cấp đất tái định cư cho dân. Chỉ đạo chủ động, khẩn trương công tác kiểm kê, đền bù cho những năm tiếp theo, tránh tình trạng bị động. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương kiểm tra, nghiệm thu bản đồ địa chính. Tập trung rà soát, giải quyết nhanh các vấn đề liên quan đến tài chính, tạm ứng vốn… Đồng thời, giao Công an tỉnh Đắk Nông xử lý các vụ việc tập trung đông người, cản trở hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ.