Tác động bởi nhóm dịch vụ y tế
CPI bình quân quý I/2016 tăng 1,25% so với cùng kỳ. Tổng cục Thống kê nhận định, CPI đang ở mức thấp, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra.
Trong 3 tháng của quý I, CPI tháng 1, 2 mặc dù là thời điểm mua sắm Tết nhưng chỉ tăng nhẹ nhờ giá xăng dầu giảm dẫn đến chi phí đầu vào của nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm mạnh, đặc biệt là chi phí giao thông đi lại. (CPI tháng 1 tăng 0,8%, tháng 2 tăng 1,27% so với cùng kỳ 2015).
So sánh CPI quý I hàng năm so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Tuy nhiên, tháng 3/2016, CPI tăng 1,69% so với cùng kỳ, cao hơn cả tháng Tết là do chịu tác động mạnh của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Nhận định về CPI tháng 3, đại diện Tổng cục Thống kê nhận xét: Theo quy luật, CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm. Tuy nhiên, CPI tháng 3 năm nay tăng giá chủ yếu là do giá dịch vụ y tế tăng mạnh.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính, chỉ có 2 nhóm tăng giá gồm nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 24,34%) và nhóm giáo dục (tăng 0,66%). Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất vì từ ngày 1/3, giá 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh y tế được điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch số 37 ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Mức tăng của nhóm y tế đã đóng góp tới 1,27% trên tổng mức tăng 1,69% của CPI tháng 3.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc tăng giá này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ mà thực chất là chuyển các khoản chi trước đây của nhà nước bao cấp trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi vì được hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn mà không phải bỏ tiền túi do đã có bảo hiểm y tế chi trả.
Ngoài 2 nhóm tăng giá nói trên thì 9 nhóm hàng hóa còn lại đều giảm giá. Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ thống kê giá cho biết, tuy nhóm hàng y tế tăng rất cao nhưng CPI chung không bị đẩy lên quá cao là do nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán đã giảm. Giá các mặt hàng trở về mặt bằng trước Tết. Hơn nữa, giá xăng giảm kỷ lục làm cho nhóm giao thông giảm sâu (3,64%). Giá đô la Mỹ giảm nhẹ do dự trữ ngoại hối của ngân hàng dồi dào, các doanh nghiệp chưa có nhu cầu nhiều về USD sau Tết.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, CPI quý I không tăng cao dù có tháng Tết là do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 11 nhóm hàng chính) chỉ tăng 1,62% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với quý I những năm trước (năm 2012 tăng 20,67%; năm 2013 tăng 1,55%; năm 2014 tăng 3,57%; năm 2015 tăng 2,14%).
“Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép… nên chỉ số giá nhập khẩu 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ đã giảm”, chuyên gia này phân tích thêm.
CPI cả năm có thể tăng cao
Từ nay đến cuối năm, nhiều yếu tố trong nước và thế giới sẽ tác động khiến chỉ số CPI tăng mạnh hơn. Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay giá vàng thế giới đã tăng khoảng 19%, chủ yếu do mối quan ngại của giới đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu, sự bất ổn của thị trường chứng khoán và giá dầu giảm. Bình quân giá vàng tháng 3 đã tăng 4,87%. Do đó, giá vàng trong nước có thể sẽ tăng theo đà tăng này.
Mức tăng CPI của quý I năm nay là 1,25%, cao hơn so với mức 0,74% của quý I năm ngoái. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ các năm trước đây. |
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, giá các dịch vụ y tế sẽ tiếp tục tăng vào tháng 7, học phí tăng vào tháng 9. Xăng dầu trên thị trường có xu hướng tăng trở lại. “Kỳ tính giá CPI vừa rồi không chịu tác động của tăng giá xăng dầu nhưng từ tháng sau, khả năng giá xăng tiếp tục tăng sẽ tác động tới CPI. Giá hàng hóa tiêu dùng như sắt thép, mỳ chính sắp tới cũng tăng. Một số yếu tố khác như nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng cũng có thể gây áp lực tăng lãi suất”, bà Thủy phân tích.
Đối với nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm, giá gạo đang tăng lên do nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng. Mặt khác, thiên tai rét đậm rét hại ở miền Bắc, hạn hán miền Trung và xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ cũng khiến việc trồng lúa bị ảnh hưởng, giá lúa có khả năng tăng tiếp.
Từ diễn biến thị trường nói trên, đại diện Tổng cục Thống kê dự báo CPI năm nay sẽ ở mức cao, khoảng 5% như dự báo hồi đầu năm (tăng mạnh so với mức 0,63 của năm 2015). Tổng cục khuyến nghị các cơ quan Chính phủ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu để không tác động nhiều đến tâm lý tăng giá CPI.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tình hình triển khai công tác bình ổn giá tại một số địa phương. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới để kiểm soát lạm phát.