Chính vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ cần tận dụng cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thế chế để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong khi doanh nghiệp nước ngoài đang nhòm ngó “mỏ vàng” trong nước, doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế để chiếm lĩnh thị trường.
Khó khăn nội tại
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, so với Hiệp định TPP, các nội dung cam kết của CPTTP về điều kiện mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vẫn giữ nguyên.
Kể từ 14/1, CPTPP đã chính thức đi vào thực thi nên các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, để có thể tận dụng tốt các lợi thế Hiệp định này mang lại. Không những thế, doanh nghiệp cần nhìn thị trường không hẳn là 11 nước thuộc CPTPP như hiện nay mà trong tương lai có thể mở rộng hơn rất nhiều và có thể là cả Mỹ.
Ông Ngô Chung Khanh cũng chỉ ra thực tế là hiện nay xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan (Trung Quốc) có giá cao lên tới hàng triệu đồng/kg nhưng vẫn "cháy hàng" ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu hết.
Một nghịch lý nữa là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng được đa số thị trường thế giới đón nhận và Việt Nam lại nhập khẩu các mặt hàng này từ thị trường nước ngoài về Việt Nam cho người tiêu dùng trong nước sử dụng.
Bên cạnh quả táo ngoại, có nhiều ví dụ có thể kể đến như các sản phẩm như: thịt bò, thịt gà, thịt lợn, không những đảm bảo quy chuẩn quốc tế mà giá thành còn rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm nội địa.
Hay như ví dụ mới đây là thương hiệu thời trang quốc tế của Nhật Uniqlo đã mua lại 35% cổ phần của một hãng thời trang Việt và dự kiến trong năm nay sẽ mở cửa chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam.
Nếu tính cả Zara, rồi H&M, đã có 3 thương hiệu thuộc top 5 thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới có những động thái đầu tiên tại Việt Nam. Ngay cả với những doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam, đây cũng là một áp lực không nhỏ.
Sau 7 năm nữa, các loại hàng rào thuế quan cho hàng may mặc giữa các nước CPTPP sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn. Với quy mô thị trường may mặc nội địa là 4,5 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng 20%/năm, theo chính các doanh nghiệp may mặc trong nước, các hãng thời trang ngoại có nhiều lợi thế chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết, hiện tại doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài mới chỉ chiếm 17% thị phần bán lẻ hiện đại, nhưng hiện các chuyên gia trong ngành lại cho rằng con số này lớn hơn nhiều. Những cái tên như Central Group, Lotte, Aeon đang chia lại thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Điều này cũng được chuyên giả lý giải bởi các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam đang còn nhiều điểm yếu hơn so với doanh nghiệp ngoại như vốn, chiến lược kinh doanh hay thậm chí cả sự chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ.
Chính vì vậy, các chuyên ra cho hay, việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại trên thị trường bán lẻ đòi hỏi doanh nghiệp nội phải liên kết lại với nhau.
Tạo lực đẩy mới
Một đánh giá gần đây từ giới phân tích thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy, các nhà bán lẻ ngoại đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang nắm 92% mô hình đại siêu thị tại Việt Nam. Dự báo năm 2019, ngành bán lẻ Việt sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ ngoại rót vốn, với các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi nổi.
Theo Báo cáo triển vọng năm 2019 của công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi là mô hình phát triển nhanh nhất. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán lẻ nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất đã thu hút các nhà đầu tư ngoại với các thương hiệu quốc tế như Family Mart, Circle K, Shop&Go và Bs Mart, GS25…
Như vậy, có thể thấy làn sóng các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam vốn dĩ đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, cộng với lực đẩy mới từ CPTPP, sẽ càng tăng mạnh thêm trong những năm tới.
Đáng chú ý, trong một thống kê gần đây cho thấy có tới 58% các doanh nghiệp thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư CPTPP vào thị trường bán lẻ sẽ khiến cho cạnh tranh của mình trở nên khó khăn hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn nhìn nhận và mong chờ ở những tác động tích cực của các cam kết này nhiều hơn.
Theo dự báo về thị trường di động Việt Nam do Công ty Appota công bố, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân.
Đây cũng chính là một lợi thế của ngành bán lẻ di động, máy tính nói riêng và kéo theo đó là xu hướng mua bán online tại Việt Nam nói chung sẽ ngày một gia tăng.
Nghiên cứu của Nielsen cũng cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Cụ thể, tại các đô thị lớn, tỷ lệ dân số có sử dụng điện thoại lên đến 95%; trong đó 78% là sử dụng smartphone.
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, các chuyên gia khẳng định, đây là một cơ hội để tuyên truyền, quảng bá những thông tin lên mạng, lên website và đưa những sản phẩm, dịch vụ chuẩn từ chất lượng đến giá cả đến khách hàng và giúp doanh nghiệp tự nhìn ra những chỗ còn khuyết thiếu để bổ sung.
Ông Phạm Mạnh Cổn, Giám đốc Cty Eltek Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập, phải khẳng định doanh nghiệp tự nâng cao nội lực là rất quan trọng, kết nối với nhau.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu và rất ít trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau nhất là trong ngành, lĩnh vực của mình. Do đó, nếu không tự đoàn kết được thì không chỉ khó trong xuất khẩu, mà cả thị trường trong nước, cũng sẽ khó có thể chiếm lĩnh.