Cú hích từ tín dụng tam nông

Hội thảo “Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL” diễn ra trong chiều ngày 5/11, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Sóc Trăng 2014 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và các doanh nghiệp. Bởi, trong 3 năm qua, tín dụng tam nông đã có những bước tiến mạnh cho vùng ĐBSCL khi dư nợ cho vay tăng lên, lãi vay giảm mạnh còn 7-8%/năm đối với ngắn hạn và từ 10-10,5% cho trung, dài hạn.

Quang cảnh hội thảo


Theo Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 899 phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, do vậy ngành ngân hàng xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và trái cây nói riêng là những lĩnh vực được ưu tiên mà ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng.

Theo thông tin từ ngân hàng Nhà nước, trong các năm qua, tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 14,12%, 8,85% và 12,51% trong khi tăng trưởng tín dụng tại vùng ĐBSCL tăng tương ứng và có thời điểm cao hơn, lần lượt là 14,6%, 10,7% và 12,4%. 

Tỷ trọng cho vay luôn ở mức khá cao và chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70%, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 30%. Tính đến ngày 30/9, tổng dự nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt trên 332.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với 31/12/2013 và chiếm 8,98% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của cả nước.

Nguồn vốn tín dụng đã và đang tập trung hướng vào một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh của vùng ĐBSCL nhằm tạo đột phá, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, nhờ nguồn vốn tính dụng ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại tại vùng ĐBSCL có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt xa bờ...; phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

“Chúng tôi là doanh nghiệp chuyên sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo, từ năm 2011, chúng tôi đã tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích hiện nay trên 3.000 ha ở các tỉnh, thành Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang. Đã trải qua 9 vụ lúa đã thu hoạch, kết quả đạt được cho nông dân, doanh nghiệp rất khả quan. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chặt chẽ, đảm bảo lợi ích của hai bên. 

Đó là do chúng tôi đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư ứng trước vật tư đầu vụ như: giống, phân bón, thuốc BVTV và vốn để thanh toán tiền mua lúa hàng hóa cho nông dân. Ngoài ra, còn chúng tôi còn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư máy sấy lúa, kho chứa, máy xay xát, chế biến và tiêu thụ với một cơ chế chủ động, hiệu quả”, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty TNHH Trung An, chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn chỉ ra những bất cập như việc tăng trưởng tín dụng ở các địa phương vùng ĐBSCL còn nhiều rào cản do quy hoạch chưa đồng bộ, sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến, chuỗi liên kết sản xuất còn lỏng lẻo và chưa có các kênh phân phối hiệu quả cho nông sản; hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu chưa được đầu tư thỏa đáng từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh cảu các sản phẩm trên trường quốc tế.

Để tháo gỡ những “điểm yếu”, khơi thông hơn nữa nguồn tín dụng cho tam nông và thúc đẩy cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng của Chính phủ để hỗ trợ cho lĩnh vực lúa gạo, thủy sản như: chương trình tạm trữ lúa gạo; chương trình cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch; chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu trong sản xuất nông nghiệp... nhằm giúp các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, có mức thu nhập hợp lý từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong cho vay đối vối lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 41 cho phù hợp tình hình hiện nay và phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để thực hiện được các giải pháp và định hướng nói trên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong khu vực trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020. Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm có thế mạnh và đồng thời triển khai nhân rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên toàn quốc...

Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra ký kết hợp đồng tín dụng trong chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp – đợt 3. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức ký kết với 6 doanh nghiệp của 6 tỉnh, thành. Đây là những doanh nghiệp có mô hình sản xuất liên kết khá hoàn chỉnh, có quy mô sản xuất lớn để tạo ra mô hình tốt trong liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.


Bài và ảnh: M.T – Anh Đức

Hiệu quả từ Diễn đàn hợp tác kinh tế
Hiệu quả từ Diễn đàn hợp tác kinh tế

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, những kết quả đạt được trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, an sinh xã hội cho người dân khu vực ĐBSCL từ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - MDEC Vĩnh Long 2013, sẽ được MDEC Sóc Trăng 2014 tiếp tục phát huy và triển khai sâu hơn nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN