Thưa ông, hiện TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Công Thương đã vào cuộc như thế nào để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân?
Trước tình hình dịch COVID-19 trong nước đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, Bộ Công Thương đã đã thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải là Trưởng ban chỉ đạo.
Đồng thời, Bộ đã có công văn gửi các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng có công văn đề nghị các Bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ tăng giá bất hợp lý.
Đặc biệt, Bộ cũng đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử; Bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tăng thêm các điểm bán hàng thiết yếu cho người dân, Bộ Công Thương đã liên hệ với Tổng công ty bưu điện Việt Nam (VNPOST) và Tổng Công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post), là những đơn vị vận tải chuyên nghiệp và có cơ chế đặc thù trong lưu thông hàng hóa để kết nối với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ triển khai công tác vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đến nay, Công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) đã được tham gia Chương trình bán hàng “Thực phẩm bình ổn lưu động” của TP Hồ Chí Minh nhằm để cung ứng hàng hóa thiết yếu với 34 điểm bán hàng cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Việc phân phối hàng hóa thiết yếu tại các vùng dịch cần thực hiện như thế nào, để tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng như vừa qua, thưa ông?
Bộ Công Thương đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhằm kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ nông sản cho địa phương. Tại các hệ thống phân phối lớn, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch COVID-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150 - 500% so với tháng thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đặc biệt là các địa phương đang có dịch bệnh COVID -19, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn của thị trường khi cần thiết.
Để hỗ trợ các địa phương trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.
Tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp… trong việc vận chuyển lưu thông hàng hoá (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong toả và có dịch.
Bộ cũng thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình cung cầu - lưu thông hàng hóa, tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Đồng thời, Bộ đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Bộ và các Sở Công Thương các địa phương cũng như các doanh nghiệp phân phối luôn có phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo nhu cầu người dân trong dịch COVID-19. Vì thế, khi ở bất cứ địa phương nào thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng, người dân không nên hoang mang, đổ xô đi mua hàng tích trữ để ảnh hưởng đến tình hình chống dịch.
Trân trọng cảm ơn ông!