Cước 3G và dịch vụ OTT vẫn 'nóng'

Theo Cục Viễn thông- Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), mặc dù giá cước 3G đã tăng thời gian qua nhưng các doanh nghiệp viễn thông cho biết họ vẫn đang cung cấp dịch vụ 3G dưới giá thành. Do vậy, không ít người lại lo ngại, cước 3G sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014.


Trong khi đó, nhà mạng lại “nơm nớp” lo về việc OTT- dịch vụ thoại, tin nhắn miễn phí trên Internet, nhất là ứng dụng Viber - đã chính thức vào Việt Nam tháng 1/2014.


Vẫn tính việc điều chỉnh cước


Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), số lượng thuê bao 3G đang tăng trưởng khả quan. Nếu duy trì được mức tăng này và giá cước cung cấp dịch vụ vẫn thấp hơn giá thành thì nhiều khả năng việc điều chỉnh cước 3G một lần nữa sẽ được các doanh nghiệp tính đến.

 

Khách hàng hết sức quan tâm tới giá cước 3G.


Vào tháng 10/2013, ba nhà mạng: Viettel, MobiFone và VinaPhone đã đồng loạt tăng cước 3G thêm 20.000 đồng/gói cước, tương đương với mức tăng 40%. Đại diện Viettel thừa nhận: Sau khi tăng cước, đã có một "khoảng lặng" khi khách hàng băn khoăn, tính toán thiệt hơn của giá cước mới. Tuy nhiên, từ tháng 12/2013, số thuê bao đã bắt đầu tăng trở lại. “Khách hàng sẽ dần quen với giá cước mới và có những điều chỉnh về thói quen sử dụng cho phù hợp. Còn xu hướng chung của thị trường 3G sẽ vẫn là tăng trưởng", ông Dũng cho biết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Doanh nghiệp chưa thể trả lời được câu hỏi năm 2014 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng hay giảm cước 3G vì mức cước còn phải phụ thuộc vào giá thành và Bộ TT-TT có cho phép doanh nghiệp được bán dưới giá thành hay không?


Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho hay: Hiện chưa có số liệu kiểm toán nhưng năm 2014, chắc chắn giá bán 3G vẫn thấp hơn giá thành. Các nhà mạng đã tính cách điều chỉnh giá cước sao cho ảnh hưởng ít nhất tới người tiêu dùng như: Sẽ có gói cước tương ứng với chất lượng, có thể là tốc độ khác nhau thì giá cước khác nhau.


Bên cạnh việc khuyến cáo người dùng 3G trở thành người dùng thông thái hơn, lựa chọn đúng các gói cước phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng, phía MobiFone cũng khuyến nghị "Mạng viễn thông có quy luật chung là ban đêm không được sử dụng nhiều. Các nhà mạng có thể khuyến khích người dùng 3G chuyển sang dùng vào ban đêm với giá cước rẻ". Phía Viettel Telecom cho biết thêm: Không có chuyện mọi đường lưu thông của viễn thông đều giống nhau, đều sử dụng được mọi chỗ giống nhau. Hạ tầng có nhiều chỗ khác nhau; đồng nghĩa với việc Viettel cũng khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng 3G vào ban đêm.


Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), sau hơn 2 tháng tăng giá cước 3G, số khách hàng sử dụng dịch vụ này vẫn tăng nhẹ, với mức tăng 5%; doanh thu của các nhà mạng cũng tăng khoảng 15%. Về cơ bản, thị trường không có sự xáo trộn và việc tăng cước là bước đi hợp lý để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, phù hợp với quy hoạch viễn thông quốc gia đến năm 2020.


Đại diện Viettel cho biết: Hiện nhu cầu di động 3G tăng rất nhanh. Năm 2013, mức tăng trưởng thuê bao 3G bằng tất cả các năm trước gộp lại và năm 2014 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2013. Nếu tình hình khả quan, Viettel có thể thêm khoảng 5 - 6 triệu thuê bao 3G nữa trong năm nay.


Trước thông tin sẽ có đợt tăng cước 3G mới trong năm nay, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết: “Hiện giờ, giá thành dịch vụ 3G là 167 đồng/MB, sang năm có thể tăng lên 180 đồng/MB (giá bán hiện là 100 đồng/MB) thì giá bán sẽ tiếp tục tăng. Nếu giá thành giảm mạnh đến mức chỉ còn 100 đồng/MB thì giá bán không tăng nữa”.


Cần quản lý doanh nghiệp OTT


Đại diện các nhà mạng thừa nhận: OTT đang là vấn đề gây “đau đầu”, nhất là khi Viber tiếp tục cho ra mắt dịch vụ cho phép người dùng điện thoại thông minh (smartphone), máy tính có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại cố định, di động ngay cả khi thiết bị không cài đặt ứng dụng.


Theo ông Nguyễn Sơn Hải- Phó trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone, thời gian qua, các dịch vụ OTT đã quảng bá, đầu tư mạnh tay để xây dựng thương hiệu và phát triển cộng đồng. Về bản chất, doanh nghiệp OTT đã có sự cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng truyền thống. Thực tế, khoảng 2 năm qua, VinaPhone đã chịu ảnh hưởng lớn từ dịch vụ thoại và tin nhắn của các ứng dụng OTT. Còn phía MobiFone cho rằng, trong khi các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone hay Viettel đều phải tuân thủ luật cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, thì các doanh nghiệp OTT đang được “tự do” cung cấp dịch vụ và vẫn chưa phải tuân thủ bất kỳ quy định nào của luật pháp.


Tuy nhiên, hiện giờ các nhà mạng MobiFone, MobiFone và VinaPhone đều bày tỏ thiện chí sẽ cùng hợp tác với các doanh nghiệp OTT để xây dựng một thị trường viễn thông lành mạnh. Phía VinaPhone cho biết: “Sự hợp tác chắc chắn phải có. Mạng viễn thông vừa phải cạnh tranh và vừa hợp tác với OTT trong việc cung cấp thoại, tin nhắn. Sự cạnh tranh là đương nhiên với mục đích đem lại tiện ích cho khách hàng và lợi nhuận cho các bên khi hợp tác cùng nhau.


Trước vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải- Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết: Hiện nay, việc đưa OTT vào quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tạo sự hợp tác giữa các nhà mạng và các nhà cung cấp ứng dụng OTT. Cục Viễn thông sẽ đề xuất một số định hướng, giải pháp về chính sách; sẽ lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và cộng đồng trước khi trình Bộ TT-TT ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN