Đây là ứng dụng được phát triển bởi Go-Jek, một công ty startup xe ôm công nghệ có vốn đầu tư hàng tỷ USD đầu tiên của Indonesia, được hỗ trợ nền tảng của 2 "gã khổng lồ" Google và Tencent.
Ứng dụng Go-Viet ra mắt tại Việt Nam sẽ cạnh tranh với Grab, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Ảnh GV |
Có thể thấy, từ khi Uber sáp nhập vào hệ thống Grab từ tháng 4/2018, việc đặt xe ngày càng khó, tài xế thường xuyên tự ý hủy chuyến, gây nhiều phiền toái cho khách hàng. Mặc dù ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, khẳng định Grab chưa có thay đổi nào về giá cước. Nhưng khi nhu cầu hành khách tăng cao, lượng đặt xe quá nhiều, mức giá sẽ cao. Thực tế cho thấy, cùng một quãng đường, cùng khung giờ, không báo cao điểm nhưng giá cước đã tăng nhiều so với trước. Tính ra, giá cước của Grab tăng ít nhất 25 - 30%.
Hiện nay, hầu như khách hàng thân thiết của Uber sau khi chuyển sang Grab hầu như không còn hài lòng với dịch vụ gọi xe này. Nhiều người đã tuyên bố không đi Grab và chuyển về lại taxi truyền thống. Bởi trước sự cạnh tranh của ứng dụng gọi xe Grab và Uber trước đây, nhiều hãng taxi buộc phải "chuyển mình", thay đổi dịch vụ và cũng cho ra mắt các ứng dụng gọi xe trên di động.
Tuy nhiên, phong cách làm việc của các lái xe truyền thống vẫn chưa thay đổi, giá cước vẫn cao nên càng làm cho người tiêu dùng ngày càng lúng túng khi sử dụng dịch vụ gọi xe. Grab vì thế vẫn được xem là độc quyền trên thị trường gọi xe tại Việt Nam.
Nắm bắt được vấn đề này, thay vì mở rộng thị trường sang Philippines đầu tiên so với kế hoạch ban đầu thì Go- Jek đã lấn sân sang thị trường Việt Nam với tên gọi Go -Viet với tham vọng thay thế cho Grab. Đây là
bước đi đầu tiên của Go-Jek
ra thị trường quốc tế, đồng thời cũng là
một phần trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, trị giá 500 triệu USD của Go –Jek
tại các nước: Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Trước mắt, trong tháng 7 này ứng dụng Go -Viet sẽ cho chạy thử nghiệm đặt xe hai bánh và giao hàng (Go Bike – Go send) tại TP Hồ chí Minh. Theo đó, người dùng và tài xế tham gia chương trình khám phá Go-Viet sẽ có cơ hội trải nghiệm miễn phí ứng dụng đa dịch vụ này trong một số khu vực nội thành.
Bởi theo đánh giá của Go-Jek, với dân số khoảng 93 triệu người và 45 triệu xe gắn máy trong nước, Việt Nam được coi là thị trường hấp dẫn cho các dịch vụ gọi xe. Đây cũng được coi là lựa chọn tốt với chi phí đầu tư thấp hơn khi so sánh với các nước láng giềng như Singapore và Malaysia.
Ông Nguyễn Vũ Đức, CEO và Đồng sáng lập Go Viet cho biết, thương hiệu Go-Viet được xây dựng tại Việt Nam bởi đội ngũ sáng lập người Việt có kinh nghiệm và am hiểu về khách hàng, tài xế và thị trường. Sau giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng Go-Viet sẽ được triển khai rộng khắp tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhanh chóng mở rộng ra Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Hiện Go – Jek hiện đang từng bước phát triển hệ sinh thái trên ứng dụng Go Viet, bắt đầu bằng dịch vụ kết nối vận tải và giao hàng, trước khi triển khai dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.
Đại diện Công ty Go-Viet cũng cho hay, đã trực tiếp báo cáo về chương trình triển khai thử nghiệm này đến các Sở, Ban, Ngành liên quan, bao gồm Bộ GTVT và các Sở GTVT, đồng thời cam kết tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Về quyền lợi khách hàng, đại diện Go – Viet cho biết sẽ xây dựng một mức tính cước phù hợp, vừa đảm bảo lợi ích cho các tài xế, vừa đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, đồng thời tiến hành các chương trình khuyến mãi phù hợp.
Ngoài ra, Go-Viet cho biết đủ sức cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe khác trên thị trường như Grab và taxi truyền thống. Vì ngoài thừa hưởng công nghệ hiện đại với một hệ sinh thái công nghệ vững chắc, cung cấp 18 dịch vụ đa dạng từ kết nối vận tải, giao hàng, vận chuyển thức ăn, thanh toán điện tử…., Go – Viet có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của người dùng. Hiện tại thị trường Việt Nam chưa có đơn vị nào đáp ứng đầy đủ các nhu cầu này trên cùng 1 ứng dụng.