Tại sao chính phủ phải đóng cửa?
Kể từ năm 1976 đến nay, chính phủ “đất nước cờ hoa” đã phải “đóng cửa” 18 lần, trong đó, có 4 lần đóng cửa trong vòng 1 ngày. Lần đóng cửa lâu nhất là 21 ngày vào hồi tháng 12/1995, dưới thời Tổng thống Bill Clinton.
Nhân viên bảo vệ dùng rào chắn để đóng cửa đài tưởng niệm Lincoln ngày 1/10 sau khi chính phủ Mỹ đóng cửa. AFP/TTXVN |
Kiểu đóng cửa chính phủ như vậy, chắc chỉ xuất hiện ở nước Mỹ. Với những nước có hệ thống nghị viện tương tự, ngành lập pháp và hành pháp được kiểm soát bởi cùng một đảng hoặc liên minh cầm quyền và việc "không hiểu nhau" giữa hai ngành này thường chỉ xảy ra với mục đích gây sức ép chính phủ giải tán có trật tự và bước vào kỳ bầu cử mới, thay vì trước kỳ bỏ phiếu ngân sách cho tài khóa tiếp theo.
Trong đời sống chính trị Mỹ, khái niệm “đóng cửa” chỉ tình trạng chính phủ dừng cung cấp các dịch vụ, trừ những dịch vụ thiết yếu. Các dịch vụ liên bang vẫn được duy trì bao gồm có cơ quan khí tượng quốc gia, dịch vụ y tế, bưu chính, lực lượng vũ trang, quản lý không lưu...
Về cơ chế, theo Hiến pháp Mỹ thì Quốc hội (bao gồm Thượng viện và Hạ viện) có thẩm quyền phê chuẩn mọi khoản chi tiêu của chính quyền liên bang và biểu quyết thành luật, tiếp đến được tổng thống chấp thuận và ban hành. Năm tài khóa của ngân sách liên bang được tính từ ngày 1/10 đến 30/9 năm sau. Nếu Quốc hội chưa thông qua được đạo luật ngân sách thì phải biểu quyết một đạo luật tạm thời về các khoản chi.
Điều đó có nghĩa là, ngân sách liên bang cần được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua, rồi được tổng thống ký duyệt. Nếu tổng thống phủ quyết, nó sẽ bị trả về Quốc hội. Đến lúc này, Quốc hội lại phải bỏ phiếu, và việc phủ quyết của tổng thống có thể bị vô hiệu nếu kết quả đạt được hai phần ba ủng hộ (tức là đa số tuyệt đối).
Như vậy, chính phủ phải đóng cửa khi tổng thống và một hoặc hai Viện được kiểm soát bởi các đảng phái chính trị khác nhau không thể giải quyết những bất đồng về phân bổ ngân sách trước khi chu kỳ ngân sách hiện thời kết thúc.
Ai sẽ điều hành đất nước?
Mặc dù chính phủ bị đóng cửa nhưng đội ngũ nhân viên thiết yếu của các cơ quan trực thuộc vẫn tiếp tục thực hiện các công việc cần thiết. Hôm 1/10 vừa rồi, khi chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa, thì các cơ quan chính phủ phải thực thi một kế hoạch ứng phó khẩn cấp do Phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ xây dựng, trong đó việc đầu tiên là phải phân loại các nhân viên “thiết yếu” và “không thiết yếu”. Những nhân viên “thiết yếu” sẽ tiếp tục công việc của mình, còn những nhân viên “không thiết yếu” sẽ nghỉ việc cho đến khi Quốc hội thông qua kế hoạch ngân sách mới.
Những nhân viên tiếp tục làm việc vẫn sẽ được trả lương, tuy nhiên có thể phải đợi cho đến khi chính phủ mở cửa trở lại mới được lĩnh. Còn những người bị cho nghỉ sẽ không được trả lương, song sau này Quốc hội có thể xem xét cho truy lĩnh.
Các hoạt động thiết yếu được xác định là những công việc nhằm bảo vệ cuộc sống và tài sản của nước Mỹ, chẳng hạn như kiểm soát không lưu và an toàn giao thông, xử lý chất thải độc hại, an toàn thực phẩm, biên phòng, điện nước, an ninh quốc gia và hỗ trợ thảm họa.
Một số vị trí khác trong chính phủ liên bang cũng được tự động miễn trừ khỏi nguy cơ phải nghỉ việc, giống như Tổng thống và các thành viên của Quốc hội.
Trong quá trình chính phủ đóng cửa, Phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng vẫn tiếp tục chi trả cho các nhân viên thiết yếu, đồng nghĩa với việc họ vẫn tiếp tục thu thuế, phát hành trái phiếu và những công việc cần thiết khác để duy trì hệ thống tiền tệ và ngân hàng của đất nước.
Cuộc chiến ngân sách và nợ công
Nước Mỹ vẫn tự hào về tính minh bạch trong hệ thống tam quyền phân lập của mình. Tuy nhiên, để hiểu rõ bản chất từng ngóc ngách liên quan tới đời sống chính trị của Mỹ lại là cả một vấn đề khó khăn. Đây dường như cũng chính là điểm hấp dẫn nhất đối với những ai say mê tìm hiểu về nó.
Cuộc chiến ngân sách cũng như nợ công của Mỹ cũng thế. Nó không chỉ có nguyên nhân đơn thuần ở góc độ kinh tế, mà còn là rất nhiều vấn đề chính trị quan trọng còn bị mắc mớ trong trận chiến thẫm màu chính trị giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ. Lần tìm đến bản chất của vấn đề, thì cuộc chiến này lại xuất phát từ quy mô bộ máy tổ chức của chính quyền liên bang. Chi phí để duy trì hoạt động của bộ máy này chiếm tới 1/5 (tương đương với 22%) tổng sản phẩm quốc nội. Trong lúc đó, nợ quốc gia - khoảng 17 ngàn tỷ - giờ đã vượt quá tổng sản lượng kinh tế Mỹ.
Có thể nói, tất cả các chương trình hoạt động của chính phủ Mỹ đều là những "máy ngốn tiền" ngân sách liên bang, và là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng nợ nần.
Bởi vậy, từ mấy chục năm nay, ngân sách Mỹ bị bội chi liên tục. Chính quyền liên bang phải đi vay bằng việc phát hành trái phiếu, tức là bán “giấy nợ” lấy tiền thanh toán chi tiêu công và lãi vay. Khi chính phủ liên bang đã vay rồi mà vẫn chưa đủ thì phải xin Quốc hội nâng định mức đi vay, gọi là “trần nợ công”.
Như vậy, trần nợ công là giới hạn số tiền tối đa chính phủ có thể đi vay mà Quốc hội Mỹ đặt ra. Và, Quốc hội luôn là cơ quan được quyền thiết lập trần nợ quốc gia. Giới hạn hiện tại là 16.699 tỷ USD. Việc nâng trần được thực hiện rất thường xuyên, trung bình hơn một lần mỗi năm. Kể từ năm 1940, các nhà làm luật nước này đã phải nâng trần nợ công 79 lần.
Mặc dù vậy, từ nhiều năm qua, nâng trần nợ công luôn là cuộc chiến của các chính trị gia tại Mỹ. Lần gần đây nhất là tháng 8/2011, các nhà làm luật đã mất hàng tháng mới đạt thỏa thuận nâng trần nợ công, chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi Mỹ chính thức rơi vào cảnh vỡ nợ. Việc này đã khiến họ lần đầu tiên bị hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ một bậc xếp hạng xuống AA+.
Hiện tại, điều kiện để nâng trần nợ công của đảng Cộng hòa là cắt giảm chi tiêu và không cấp vốn hoặc hoãn thực hiện chương trình Obamacare để giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, Tổng thống Obama và các nghị sĩ đảng Dân chủ lại không chấp nhận đàm phán nếu có các điều kiện này.
Hồi tháng 8/2013, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew cảnh báo Mỹ đã chạm trần nợ công từ tháng 5 và họ đã phải vận dụng mọi "biện pháp đặc biệt" để tiếp tục chi trả cho các hoạt động của đất nước. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/10 tới. Sau ngày này, Mỹ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD và một ít doanh thu thuế, không đủ thanh toán cho số chi phí có thể lên tới 60 tỷ USD trong một ngày. Và theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, Mỹ sẽ cạn kiệt tiền mặt trong khoảng thời gian 22/10 - 31/10.
Nguy cơ khi chính phủ Mỹ vỡ nợ
Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ và tới thời điểm này, không một ai có thể chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra khi Quốc hội lần này không thể nâng trần nợ công đúng hạn. Nếu không thể vay tiền, Bộ Tài chính sẽ phải chọn ưu tiên trả một số khoản và trì hoãn các khoản còn lại, hoặc hoãn tất cả cho đến khi có đủ tiền.
Theo phương diện kinh tế, để tình trạng trần nợ công bị phá vỡ trong nhiều ngày sẽ là một thảm họa. Vỡ nợ kéo dài sẽ khiến tình trạng thất nghiệp tăng vọt do các doanh nghiệp ngừng tuyển nhân viên, còn các công ty và cá nhân thì khó tiếp cận vốn do đồng USD bị tẩy chay, lãi suất tăng cao. Việc này có thể đẩy kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái.
Đồng thời, nếu Mỹ vỡ nợ, thị trường tài chính thế giới cũng sẽ bắt đầu đóng băng. Các ngân hàng hạn chế cho vay cũng như tham gia các hoạt động rủi ro. Hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản sẽ thiệt hại hàng chục tỷ USD do đồng tiền Mỹ mất giá. Đà phục hồi kinh tế tại Nhật Bản, Eurozone và sức tăng trưởng của Trung Quốc cũng bị kéo tụt nếu đồng nội tệ tăng giá và thương mại toàn cầu đình trệ.
Lúc này, hầu hết người dân Mỹ đã tỏ ra chán ngán với cuộc chiến phe phái giữa những người đại diện cho họ. Và không biết các nhà làm luật đã nhìn thấy được lòng dân hay chưa, hay là vẫn đang mải mê với trò chơi chính trị và quyền lực của mình. Ngày 17/10, ngày "đại hạn" của nước Mỹ, đang được đếm ngược từng giây, vậy mà Dân chủ và Cộng hòa vẫn không bên nào chịu nhường bên nào, cả hai đều không muốn mình là người phải xuống nước trước. Người dân Mỹ giờ đây có lẽ chỉ còn biết "nín thở" và cầu nguyện để cho ngôi sao xấu mang tên "vỡ nợ" sẽ không đổ ụp xuống đầu đất nước mình.
Lê Hoàng