Đường 7 xưa - quốc lộ 25 ngày nay kéo dài từ thị trấn Chư Sê (Gia Lai) đến tận tỉnh Phú Yên, đi ngang qua địa bàn các huyện, thị xã Ayunpa, Phú Thiện và Krôngpa. Sau 40 năm thống nhất đất nước, con đường này “thay da đổi thịt” đáng kể, kinh tế phát triển mạnh, đời sống dân cư ngày càng được ổn định và nâng cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Trong thời kỳ chiến tranh, đường 7 được coi là một trong những con đường huyết mạch, phục vụ cho guồng máy chiến tranh của đế quốc Mỹ. Nhưng người dân sinh sống gần đường 7 lại rất khổ cực, đói ăn thiếu mặc thường xuyên xảy ra. Người dân thường xuyên phải tản mạn sống trong rừng sâu để tránh giặc, đêm ngủ cũng chẳng được yên giấc bởi hoạt động của guồng máy chiến tranh của Mỹ ngụy.
Thi công, sửa chữa, nâng cấp một đoạn đường trên tuyến quốc lộ 25 đầu năm 2015, đoạn qua khu dân cư thuộc huyện Phú Hòa (Phú Yên). |
Đường 7 còn là nơi ghi dấu chiến tích của quân giải phóng đã ngăn chặn thành công cuộc tháo chạy của địch từ Tây Nguyên về đồng bằng để "bảo toàn lực lượng" trong những ngày giữa tháng 3/1975 lịch sử. Hơn 15.000 tên địch thuộc Quân đoàn II ngụy từ tỉnh Kon Tum và Gia Lai sau khi thất thủ Tây Nguyên, đã tập trung đổ về đường 7 để tháo chạy và bị quân giải phóng tiêu diệt gọn ngay tại cầu Sông Bờ (thị xã Ayunpa) đến đèo Tô Na (huyện Krôngpa), góp phần quan trọng trong việc mở đường từ Tây Nguyên cho quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Sau ngày thống nhất đất nước, người dân đã trở lại sinh sống yên bình dọc theo đường 7 này (nay là quốc lộ 25); đồng bào các dân tộc thiểu số từ trong rừng sâu xuống định canh định cư, hình thành các buôn làng, người dân ở các nơi cũng tự nguyện đến lập nghiệp trên vùng đất mới. Sống trên vùng đất đầy rẫy bom mìn do giặc để lại, song bà con không sợ hy sinh gian khổ mà tập trung khai hoang canh tác, đồng thời đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai tại chỗ. Màu xanh ngày càng trải dài và phủ kín, từ cây lúa nước 2 vụ cho đến các loại cây trồng kinh tế khác như điều, ngô lai, mía cao sản... Loại cây trồng nào cũng cho năng suất cao. Đặc biệt, hơn 12.000 ha lúa nước 2 vụ tại địa bàn 3 huyện, thị xã Ayunpa, Phú Thiện và Ia Pa được coi là "vựa lúa" lớn nhất ở Tây Nguyên, cho hàng chục ngàn hộ dân nơi đây, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống no đủ.
Trung đoàn 64-Sư đoàn 320 truy quét tàn quân của địch tháo chạy hỗn loạn trên đường 7. |
Mùa thu hoạch lúa đông xuân 2014 - 2015, trên các con đường làng, trên những cánh đồng tấp nập người và xe cộ đi lại; gặt lúa, vận chuyển sản phẩm về nhập kho... Tiếng nói, tiếng cười rộn rã vang vọng cả một vùng. Toàn huyện có đến hơn 6.000 ha lúa nước 2 vụ - chiếm khoảng 1/2 diện tích lúa trong vùng thủy lợi Ayun hạ; năng suất lúa cũng đạt khá cao từ 6 - 7 tấn/ha/vụ, có những chân ruộng đạt đến 9 - 10 tấn/ha/vụ. Ông Đinh Bắc, người dân tộc Bahnar - Già làng buôn Kter (xã Yeng) bộc bạch: Già đã sống qua 2 thời kỳ, trước đây khi còn chiến tranh cuộc sống của dân làng khổ cực, thiếu ăn 5 - 7 tháng trong năm. Nay hòa bình lập lại, tuy cuộc sống vẫn chưa hết khó song bà con cảm thấy sung sướng hơn trước nhiều; có cơm no, ấm áo, con cái được học hành, ốm đau được chữa bệnh miễn phí...
Sau khi thất thủ tại Buôn Ma Thuột, vào giữa tháng 3/1975, Mỹ ngụy rút toàn bộ quân ra khỏi Tây Nguyên, từ Kon Tum, Gia Lai theo đường số 7 về đồng bằng. Cuộc tháo chạy đã diễn ra hỗn loạn, toàn bộ quân của địch đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống. Hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai lần lượt được giải phóng trong hai ngày 16 và 17/3/1975.
Trong trận truy kích địch trên đường 7-Cheo Reo diễn ra từ tối 16/3/1975 đến chiều 24/3/1975, Sư đoàn 320 của ta đã diệt gọn tập đoàn rút chạy của Quân đoàn 2 và Quân khu 2 Việt Nam Cộng hòa, gồm: 6 liên đoàn biệt động quân, 3 thiết đoàn thiết giáp, 6 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn Bộ binh 44, Liên đoàn Truyền tin 66, Liên đoàn Công binh 20, hai liên đoàn địa phương quân của Kon Tum và Plâycu, cơ quan Quân đoàn 2, bộ phận sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Sư đoàn Không quân 6, cùng một số lực lượng khác. |
Ông Rơ Chăm La Ni - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện khẳng định: Người J'rai hay Bahnar sinh sống đều rất phấn khởi và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, bởi nhờ có Đảng bà con mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Từ đó, bà con đều sống có trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội, chấp hành tốt chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước...
Ngoài nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chăm lo đến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Đặc biệt trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều chương trình lớn của Chính phủ ra đời, phát huy có kết quả như Chương trình 135 (xây dựng cơ sở hạ tầng), Chương trình 134 (giải quyết đất sản xuất và nhà ở)... được coi là "lực đẩy" để xây dựng các buôn làng giàu đẹp.
Hiện nay, ở tất cả các buôn làng dân tộc sinh sống dọc theo quốc lộ 25 và toàn vùng, hệ thống "điện - đường - trường - trạm" đã được phủ kín đến tận các buôn làng. Buôn làng nào cũng có đường sá kiên cố, đi lại thuận lợi, có điện thắp sáng, có trường lớp học cho con em đến trường, có trạm xá điều trị bệnh miễn phí... Riêng tuyến quốc lộ 25 kéo dài từ huyện Chư Sê đến giáp ranh với tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài hơn 100 km đã được nâng cấp, mở rộng, đi lại thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng.
Văn Thông