Cứu lấy dòng sông Ba

Sông Ba là một trong những con sông lớn ở Tây Nguyên có chiều dài 374km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô cao 1.549m về phía đông - bắc tỉnh Kon Tum chảy qua địa phận tỉnh Gia Lai, về tỉnh Phú Yên rồi cuối cùng đổ ra biển. Dòng sông này không chỉ góp phần điều hòa khí hậu mà còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho cả triệu cư dân sinh sống trong vùng. Tuy nhiên dòng sông này đang dần cạn kiệt.

Một đoạn sông Ba.

Nguyên nhân của tình trạng này là do trong nhiều năm qua nạn phá rừng ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh các công trình thủy lợi, thủy điện từ phía thượng nguồn. Đặc biệt trong năm 2010, khi công trình thủy điện An Khê - Ka Nat chặn dòng tích nước để phát điện với công suất của 2 nhà máy 175MW, trữ lượng nước trong lòng hồ chứa được tích lên đến gần 300 triệu m3. Nhưng lượng nước tích này sau khi phát điện lại đổ về sông Con (tỉnh Bình Định), chứ không hoàn lưu trả lại cho dòng chảy của sông Ba. Từ đó lượng nước chảy về hạ lưu vùng An Khê và các vùng lân cận rất ít, chỉ đạt ở mức 4m3/giây, không còn đủ lượng nước để tạo ra dòng chảy lớn như trước. Nhiều nơi nước lắng đọng thành từng vũng, không thể sử dụng vào các mục đích sinh hoạt hoặc sản xuất.

Vì thiếu nước, các nhà máy chế biến trên địa bàn cũng đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng. Nhà máy Chế biến đường An Khê có công suất ép mía 4.500 tấn mía cây/ngày, hơn nửa tháng nay chỉ hoạt động được khoảng 1/2 công suất; Nhà máy Chế biến tinh bột sắn An Khê, Nhà Máy Gỗ ép MDF... cũng đang trong tình trạng như vậy. Chỉ tính trong thời gian ngắn, các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn bị thiệt hại hơn 5 tỷ đồng do hoạt động không đúng công suất. Thị xã An Khê có 2.450 hộ dân đăng ký sử dụng nguồn nước máy lấy từ sông Ba với nhu cầu từ 1.500 - 1.800m3/ngày, do nước cạn kiệt nên nhà máy nước cố gắng lắm cũng chỉ cung ứng được khoảng 1.000m3/ngày.

Từ khi nguồn nước trên dòng sông Ba dần cạn kiệt đã bộc lộ rõ sự ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cư dân trong vùng. Nhiều loại sinh vật trên dòng sông này bị chết, có loại gần như tuyệt chủng và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc cả một vùng rộng lớn, nhất là ở đoạn qua thị xã An Khê. Đứng trên cầu bắc qua sông Ba trước khi vào thị xã, bằng mắt thường nhìn từ xa cũng thấy rõ những vũng nước đen ngòm, những đống rác thải ngổn ngang dọc hai bên bờ sông...

Kết quả kiểm tra thực tế về tình trạng ô nhiễm nước sông Ba của Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh đã cho thấy, mức độ ô nhiễm trên dòng sông này rất nghiêm trọng. Phân tích 9 mẫu nước mặt và nước thải ở 9 vị trí khác nhau đều có nhiều chỉ tiêu phân tích vượt QCVN gấp nhiều lần. Đặc biệt, ở một số vị trí quan trắc, nước sông Ba và nước thải của một số cơ sở sản xuất kinh doanh lân cận đã có dấu hiệu ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng, vi sinh, dầu mỡ, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm, không đảm bảo cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bảo tồn động thực vật thủy sinh, hoặc mục đích tưới tiêu thủy lợi.

Người dân Tây Nguyên coi các dòng sông, suối như chính mạch máu của cơ thể con người, nay một trong những mạch máu đó - chính là dòng sông Ba bị tắc nghẽn không lưu thông được đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. "Căn bệnh" này cần phải được phẫu thuật sớm và có kết quả để trả lại dòng sông hiền hòa mang lại nhiều lợi ích vốn có từ bao đời nay.

Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN