Như vậy so với 2 tháng trước, số tàu SB tăng thêm hơn 100 chiếc và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thẩm định hàng chục hồ sơ đăng ký thiết kế đóng mới, nâng cấp tàu sông cấp S1 (tầu vận chuyển trên sông) lên cấp tàu SB.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị chức năng đang nghiên cứu để trình Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định tàu SB phải lắp thiết bị tự động giám sát hành trình và các quy định phù hợp khác nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động tàu SB.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, hiện chưa có quy định tàu SB chở hàng phải trang bị hệ thống thiết bị giám sát tự động, phao báo tín hiệu cấp cứu (AIS, EPIRB). Do đó, các cơ quan quản lý chưa kiểm tra, giám sát được hành trình trên tuyến của phương tiện.
Việc này dẫn đến tình trạng tàu chạy vượt phạm vi xa hơn 20 hải lý (quy định tàu không chạy xa bờ biển quá 20 hải lý), gây nguy hiểm. Đặc biệt khi phương tiện gặp tai nạn, sự cố gặp nhiều khó khăn cho xác định cụ thể vị trí tai nạn để tiến hành ứng cứu kịp thời.
Năm 2014, tuyến vận tải sông pha biển đầu tiên Quảng Ninh-Kiên Giang được triển khai đã có bước đột phá lớn; kết nối vận tải sông-ven biển-đường bộ thông suốt Bắc-Trung-Nam.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hàng hóa được vận chuyển trên các tuyến ven biển khá đa dạng như chặng: từ Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh vận chuyển vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, than... phục vụ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Chiều ngược lại từ Nghệ An, Hà Tĩnh đi Hải Dương chủ yếu là vật liệu đá. Chặng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là nguyên liệu, phụ gia cho các nhà máy xi măng, xăng dầu và hàng hóa tổng hợp.
Tuyến từ Tp. Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại gồm các mặt hàng tổng hợp như: gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng tiêu dùng.