Hệ thống chính sách, pháp luật chung về tài nguyên, việc quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia ngày càng được hoàn thiện. Công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia được đẩy mạnh. Quá trình phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Việc phát triển các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống ngày càng được tăng cường.
Quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài nguyên tại Nghị quyết số 24-NQ/TW cho thấy, việc thực thi quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản còn bất cập. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, khi lượng phù sa suy giảm, gây sạt lở bờ sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác khoáng sản còn yếu. Ngoài ra, chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản nhằm thu hồi tối đa khoáng sản và chế biến sâu, nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác. Số lượng các khu công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản mang tính tập trung, liên vùng còn ít; chưa áp dụng hiệu quả các chính sách, công cụ của thị trường; cơ chế phân bổ nguồn lực, chia sẻ lợi ích trong hoạt động khoáng sản chưa thực sự hiệu quả. Số lượng các mỏ được cấp phép thăm dò, khai thác thông qua hình thức đấu giá chưa nhiều, chưa mang lại kết quả như mong muốn...
Ông Trần Mỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Đánh giá được tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên quan trọng trên đất liền; thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản; đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thiết lập tài khoản quốc gia về các loại khoáng sản chiến lược quan trọng; thúc đẩy chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu thô khoáng sản...
Về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản trong quản lý tài nguyên địa chất, Cục đã triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên khoáng sản theo chuẩn quốc tế; có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu đảm bảo tính tổng hợp, toàn diện về tài nguyên địa chất, khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật. Nhiệm vụ đó đã được Cục lồng ghép trong các đề án Chính phủ như: Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”; Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” và các Đề án điều tra địa chất, khoáng sản; khoáng sản độc hại khác đang thực hiện.
Theo Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Mỹ Dũng, thời gian tới, Cục Địa chất Việt Nam sẽ tập trung triển khai các giải pháp về: tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Cục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý tài nguyên khoáng sản; tăng cường quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên địa chất, khoáng sản.
Bên cạnh đó, Cục còn có các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật về lĩnh vực địa chất, khoáng sản đặc biệt trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho quản lý tài nguyên khoáng sản; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý tài nguyên khoáng sản.