Đa dạng mô hình 'chợ kiểu mới' trong thời gian giãn cách xã hội 

Bố trí xe lưu động, đưa chợ ra chỗ thoáng, lập tổ đi chợ hộ, đưa hàng thiết yếu lên chợ điện tử… là những cách bán hàng sáng tạo đang được một số địa phương áp dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng tại điểm bán hàng lưu động 307 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (ảnh chụp sáng 3/8). Ảnh: TTXVN.

Mở điểm bán hàng lưu động, siêu thị trên xe buýt

Những ngày qua, nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19. Để giải quyết tình trạng trên, mô hình siêu thị, chợ lưu động đã được triển khai phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và giảm áp lực cho các chợ dân sinh. Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.

Tại quận Long Biên, một siêu thị trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư gồm: Khu đô thị Việt Hưng, sân chơi phố Bắc Cầu (Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng đảo Sen. Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay người dân.

Tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động cũng được triển khai sau khi chợ Đồng Xa, chợ dân sinh lớn nhất tại phường, bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch. UBND phường Mai Dịch đã bố trí 2 điểm chợ lưu động tại Trung tâm văn hóa thể thao phường và sân bóng B5. Đây đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm.

Chú thích ảnh
Xe buýt được chuyển đổi công năng thành "siêu thị mini" mang rau củ, quả phục vụ người dân. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức.

Cùng với đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh mới đây đã phối hợp với một đơn vị để khai trương mô hình "siêu thị di động kiểu mới". Theo đó, mô hình này sẽ bày bán với hơn một trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt. Ngoài ra, chương trình có 1.000 phần quà, tổng trị giá 300 triệu đồng gửi đến những hộ gia đình khó khăn.

Mô hình này dự kiến kéo dài trong 2 tháng và sẽ tăng quy mô lên 3 - 4 chiếc xe buýt, chủ yếu phục vụ tại quận, huyện vùng ven, mỗi chiếc bán tại 1 - 2 điểm.

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, hơn một tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng này.

Còn Sở Công Thương Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức và bố trí các điểm bán hàng bình ổn, "mô hình mang chợ ra không gian thoáng" và các hình thức bán hàng hợp lý khác,… nhằm phục vụ cho người dân từng khu vực. Hiện, thành phố đã triển khai được 47 điểm chợ và siêu thị, điểm bán thông minh theo hình thức giãn cách, không tiếp xúc. Do vậy, hàng hoá cũng như giá cả trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định, chưa có biến động. 

Mới đây, khi làm việc với Sở Công Thương Cần Thơ, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương ở phía Nam đánh giá cao mô hình "mang chợ ra không gian thoáng" của Cần Thơ. Tổ lưu ý Sở cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá nông sản; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường theo dõi kiểm tra chặt chẽ chất lượng an toàn thực phẩm và giá cả hàng hoá. Ngoài ra, Tổ cũng vận động thêm các doanh nghiệp vận tải ủng hộ (miễn phí hoặc giảm giá) tham gia để giảm chi phí và gánh nặng, bảo đảm bình ổn thị trường.

Đi chợ hộ, đẩy mạnh thương mại điện tử

Thời gian qua, tại phường Long Thạnh (thị xã Tân Châu, An Giang) có mô hình “Đi chợ giùm dân" trong mùa dịch triển khai rất hiệu quả. Mô hình do các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của phường thực hiện và khi thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế lượng người ra đường không cần thiết.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, khi được mở bán lại, nhiều chợ đã áp dụng một số mô hình bán hàng kiểu mới như bán theo "combo", lập các đội bán hàng lưu động, nhằm phục vụ nhu cầu người dân. 

Hình thức mua hàng combo (gói những hàng hoá thiết yếu nhất phục vụ đời sống người dân hàng ngày) đang được áp dụng nhiều nơi tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều siêu thị cũng đưa ra biển hướng dẫn cách mua hàng combo để người dân tiện mua sắm, như: Chọn hàng và điền đầy đủ vào phiếu thông tin; thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn. 

Hiện nhiều siêu thị như Vinmart/Vinmar+, Bách Hóa Xanh... cũng đã bắt đầu áp dụng bán hàng dưới dạng "combo", đăng ký trước cho nhiều địa phương, và sẽ tăng mạnh thêm quy mô hoạt động để hỗ trợ người dân. 

Đặc biệt, nhiều địa phương đã tận dụng tối đa hệ thống vận chuyển của doanh nghiệp bưu chính viễn thông cho công tác phân phối, lưu chuyển hàng hóa trong khu vực có dịch và hệ thống các điểm bán của bưu điện làm điểm phân phối hàng hóa. Đây là mô hình được Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương và Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp triển khai rất tốt thời gian qua nhằm nối liền chuỗi cung ứng hàng hóa đến các vùng có dịch.

Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng làm đầu mối, cung cấp địa chỉ, nhân sự được phân công của Sở Công Thương các tỉnh phía Nam cho các doanh nghiệp để công ty trực tiếp liên hệ hỗ trợ các tỉnh thành kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng hóa thiết yếu thông qua hoạt động vận chuyển, sàn thương mại điện tử và bán hàng offline hay lưu động tại các tỉnh, thành phố.

Đến nay, ngoài 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã có thêm sự chung tay của 3 doanh nghiệp bưu chính khác gồm Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Netco tham gia vào chương trình này.

Theo số liệu từ 5 doanh nghiệp bưu chính, tính đến hết ngày 7/8, tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp này cung ứng tới người dân các địa phương trên cả nước là 14.584 tấn, tăng 11% so với ngày 6/8. Đến hết ngày 7/8, trên cả nước, các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập tổng số 3.735 điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu. Tổng khối lượng 14.584 tấn hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp bưu chính cung cấp cho người dân các tỉnh, thành đang giãn cách có tổng giá trị 448,43 tỷ đồng, tăng 11% so với ngày 6/8.

Ngoài ra, trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương hơn 3.880 tấn hàng hóa thiết yếu.

Hiện nay, cùng với việc đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa tại Thủ đô trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp bưu chính đang tập trung để vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch tại 19 tỉnh, thành phía Nam.

Thời gian tới, theo Bộ Công Thương, đây được xác định là một trong những kênh phân phối sẽ được phát huy tối đa hiệu quả nhằm cung ứng hàng hóa đến cho người dân các địa phương đang thực hiện cách ly theo các chỉ thị của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Thu Trang/Báo Tin tức
Giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã trong chuỗi cung ứng hàng hóa
Giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã trong chuỗi cung ứng hàng hóa

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thể hiện rõ vai trò trong chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN