Để trở thành địa phương tiên phong “căng buồm ra biển lớn”, là đầu tàu phát triển kinh tế biển của cả nước, Đà Nẵng đã và đang triển khai những kế hoạch, hành động cụ thể, mang tính đặc thù riêng.
Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, những năm gần đây lĩnh vực thủy sản của thành phố chuyển biến theo hướng hiện đại, bền vững. Nhưng thời gian tới vẫn cần xử lý đồng bộ, quyết liệt trong quản lý vệ sinh môi trường tại khu vực cảng cá và âu thuyền Thọ Quang. Ngành đang triển khai các hạng mục nâng cấp cảng cá này theo hướng hiện đại, sinh thái, kết hợp thương mại và phục vụ du lịch, nâng mức sản xuất, chế biến thủy sản thực tế lên 70% tổng công suất thiết kế vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Đối với tàu khai thác ven bờ, ngành thủy sản tiếp tục tham mưu cho thành phố chỉ đạo giảm số lượng tàu và đào tạo kiến thức cho các ngư dân chuyển đổi từ câu cá thương mại sang câu cá phục vụ du lịch, dịch vụ, giải trí. Phục hồi một số làng chài truyền thống để tổ chức các tour du lịch tham quan làng nghề, phát triển theo hướng bền vững.
Đối với tàu đánh bắt xa bờ thì bên cạnh việc hỗ trợ ngư dân, Sở cũng chú trọng kiểm tra, giám sát, thực hiện các biện pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về đánh bắt cá bất hợp pháp; tăng cường năng lực quản lý nghề cá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, chính sách của nhà nước đối với ngư dân trong thành phố và các ngư dân địa phương khác cập cảng tại Đà Nẵng.
Để phát triển lĩnh vực logistics, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai đầu tư một số công trình hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ logistics như: Dự án xây dựng Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu với quy mô đến năm 2030 là 35 ha và đến năm 2045 là 69 ha; dự án Nâng cấp nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng, xây dựng thêm nhà ga T3 với công suất 13-15 triệu hành khách/năm; dự án di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố; dự án Cảng hành khách du lịch tại cảng Tiên Sa, đầu tư nhà ga hành khách và đường dành riêng cho khách du lịch.
Thành phố cũng đang đề xuất chủ trương xây dựng Hành lang Kinh tế Đông - Tây 2 đi từ Đà Nẵng - cửa khẩu Đak-ốc (tỉnh Quảng Nam)-huyện Đăc Chưng (tỉnh Sekong) - thị xã Pakse (tỉnh Champasak, Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan) để kết nối vào hệ thống giao thông của Thái Lan.
Nhìn chung, việc triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông vận tải tạo cơ sở cho phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng, góp phần quan trọng kết nối với các trung tâm logistics, các đầu mối vận tải và trung tâm phân phối hàng hóa khu vực miền Trung và với các quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực cũng như đào tạo nhân lực cho ngành logistics trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn còn hạn chế, các trường đại học tại Đà Nẵng chưa có các khoa đào tạo chuyên sâu, bài bản về ngành logistics. Để khắc phục các hạn chế trên, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 6927/UBND-SCT ngày 11/10/2019 về Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan chú trọng đào tạo, thu hút, tăng cường nguồn nhân lực lĩnh vực này.
Tại Diễn đàn Logistics Việt nam 2019 được tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); trong đó hai bên sẽ hợp tác trong việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ logistics của thành phố và khu vực; tổ chức đào tạo cán bộ quản lý nhà nước của thành phố về logistics, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo cho các doanh nghiệp logistics của thành phố và khu vực.
Về lĩnh vực du lịch, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực này vẫn còn một số khó khăn. Đó là chưa có cơ chế chính sách đặc thù dành cho ngành du lịch; sự tăng trưởng nhanh về số lượng khách du lịch dẫn đến nguy cơ quá tải về môi trường và hạ tầng phục vụ; các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm phục vụ du khách còn chưa phong phú; nguồn nhân lực du lịch bước đầu được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển...
Để khắc phục các hạn chế trên, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, trong năm 2020, ngành du lịch của thành phố sẽ thực hiện nhiều biện pháp thiết thực như: xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế về đêm trong lĩnh vực du lịch, đề xuất cơ chế chính sách phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch; thực hiện thí điểm tổ chức triển khai Phố đêm 24/7 tại quận Ngũ Hành Sơn. Triển khai Kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thuỷ nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019 - 2021; trong đó có các sản sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ du lịch, các điểm dừng chân phục vụ du lịch đường thủy.
Bên cạnh các thị trường sẵn có như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, ngành du lịch cũng đang thực hiện Kế hoạch đa dạng hóa thị trường quốc tế giai đoạn 2019 - 2021; trong đó tập trung xúc tiến các thị trường quốc tế tiềm năng: Tây Âu (Pháp, Đức), Nga, Australia, Bắc Mỹ và thị trường mới Ấn Độ.
Theo chương trình hành động và phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển của Thành ủy Đà Nẵng, phấn đấu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Để đạt được điều đó, các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong khu vực và thế giới.