Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu cho rằng, con số trên không đáng lo mà quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Bên hành lang Quốc hội ngày 9/6, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu để làm rõ hơn vấn đề này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội): Nhìn nhận lại thế mạnh và trụ cột của nền kinh tế Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đúng là tốc độ tăng trưởng GDP trong Quý I chỉ đạt 5,1%, đây là mức thấp nhất trong tất cả các quý của những năm gần đây. Điều đó cho thấy, có nhiều yếu tố làm cho dự báo của các quý sau khó có thể đạt cao hơn được. Ngay trong Quý II cũng được dự báo là khó có thể đạt mục tiêu. Nếu muốn đạt được 6,7% thì các quý sau của năm 2017, đặc biệt là Quý III,IV phải có tốc độ tăng trưởng rất cao. Do đó, theo tôi cần phải nhìn nhận lại thế mạnh và trụ cột của nền kinh tế trong những năm qua là cái gì?
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP đều phụ thuộc vào 2 trụ cột là khai thác tài nguyên, khoáng sản và sử dụng vốn đầu tư. Trong 2 trụ cột này, giải pháp hiện tại là hướng vào khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là dầu thô có tính khả thi cao. Bởi, giá dầu thô đang ở mức cao (trên 50 USD/thùng), mức giá này đảm bảo mang lại hiệu quả.
Nếu đẩy mạnh khai thác dầu thô sẽ mang lại hiệu quả trong thời điểm này. Bên cạnh đó, sản lượng dầu thô khai thác trong 2 năm gần đây thấp hơn so với những năm trước, do vậy hoàn toàn có khả năng tăng sản lượng khai thác dầu thô bằng với những năm trước. Nếu tăng khoảng 1 triệu tấn dầu thô thì có thể tăng thêm 0,25% cho GDP. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên phải đạt hiệu quả cao nhất. Đây là một giải pháp hết sức quan trọng.
Trong giai đoạn hiện nay thì không thể tăng vốn đầu tư nhưng phải giải ngân nhanh vốn đầu tư đã có. Đồng thời, có các giải pháp khác huy động nguồn vốn xã hội như vốn tín dụng. Vừa qua Quốc hội đã thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nếu Nghị quyết này được thông qua thì sẽ khơi thông được dòng vốn, giúp đầu tư xã hội được cao hơn.
Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh các ngành có thế mạnh trong nội tại nền kinh tế. Năm 2016, ngành đóng góp nhiều cho nền kinh tế là thương mại dịch vụ. Đây là một thế mạnh, bởi thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng. Đặc biệt, phát triển ngành du lịch thời gian qua rất nhanh, góp phần tăng trưởng ngành dịch vụ.
Ngoài ra, các ngành khác như chế tạo máy, thiết bị điện tử, bước sang năm 2017 tốc độ tăng trưởng của các ngành này đạt rất tốt. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đóng góp nhiều. Nếu tổng hợp tất cả các biện pháp và với sự quyết tâm cao thì sẽ có thể đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP như đã đề ra là 6,7%.
Nhìn lại năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP không đạt được mục tiêu đề ra và cũng không đạt được cả mục tiêu điều chỉnh. Tuy nhiên, nhìn lại thực chất của nền kinh tế 2016 thì tỷ lệ thất nghiệp chỉ đạt 3,8% thấp hơn con số kế hoạch; lạm phát là 4,7% cũng thấp hơn kế hoạch. Như vậy, việc làm vẫn tăng, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP không cao nhưng vẫn tạo ra nhiều việc làm. Đời sống của nhân dân vẫn ổn định, giá cả không tăng.
Như vậy, nhìn vào 7 chỉ tiêu có mức tăng trưởng vượt bậc, chứng tỏ rằng chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế 2016 như vậy là tốt. Tuy nhiên, về tốc độ quy mô GDP không đạt mục tiêu, điều đó chứng tỏ không phải chỉ số GDP quyết định cuối cùng đến chất lượng của nền kinh tế.
Tất nhiên GDP không đạt sẽ dẫn đến tỷ lệ bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công có thể sẽ tăng, mặc dù quy mô của bội chi không tăng, quy mô nợ công không tăng, bởi mẫu số GDP giảm thì tỷ lệ tăng lên. Do đó, tôi cho rằng, không nên nhìn vào con số nào đó mà đánh giá chất lượng nền kinh tế.
Mặc dù, nền kinh tế đang tăng trưởng chậm, nhưng tôi cho rằng, cần có điểm dừng, bởi chúng ta đang chuyển dần từ mô hình chỉ dựa vào tài nguyên và vốn đầu tư sang dựa vào nội lực nền kinh tế. Việc thay đổi 2 trụ cột của nền kinh tế bằng năng lực, chất lượng nội lực của nền kinh tế là cái gì thì chưa hình thành ngay được, đặc biệt là trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thì cần phải có thời gian.
Chính vì vậy, trong quá trình này sẽ xảy ra giai đoạn tốc độ tăng trưởng chậm lại, với tốc độ khoảng 6 hoặc hơn 6% thì không đáng lo ngại, quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng đó vẫn đảm bảo về mặt kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng chậm trong một thời gian dài thì lại không phải là tốt. Bởi, hiện chúng ta đang ở giai đoạn bước qua một nước từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình (với mức thu nhập bình quân trên 2.000 USD/đầu người).
Theo tôi, muốn tăng trưởng kinh tế nhanh, thời gian tới bắt buộc phải đẩy mạnh đầu tư công, một mặt phải tiết kiệm chi tiêu ngân sách, tăng nguồn vốn cho đầu tư công. Hiện nay nhu cầu đầu tư vào hạ tầng ở Việt Nam là rất lớn, nếu không thay đổi được căn bản kết cấu hạ tầng thì rất khó để có thể tạo ra được sức bật cho nền kinh tế.
Đặc biệt, tôi cho rằng, cần phải thay đổi quan niệm về trần nợ công, quản lý chất lượng nợ công để từ đó tìm ra hướng đi mới trong đầu tư công.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Chất lượng tăng trưởng mới quan trọng Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tôi cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng được coi là quan trọng nhưng chất lượng tăng trưởng mới quan trọng hơn. Ví dụ, các doanh nghiệp FDI đúng là tạo tăng trưởng cho nền kinh tế, nhưng giá trị mang lại tích lũy cho nền kinh tế lại không nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp FDI hiện nay mới chỉ tạo ra được giá trị về khâu gia công, phần còn lại lớn hơn lại không thuộc về nền kinh tế.
Theo tôi, chỉ số GDP chỉ phản ánh một phần của nền kinh tế, quan trọng hơn chính là chất lượng của nền kinh tế. Về lâu dài, chúng ta phải dựa vào nội lực của nền kinh tế; tập trung phát triển các doanh nghiệp trong nước; đồng thời giữ thị trường trong nước, cùng với đó là tăng cường xuất khẩu, giảm nhập khẩu.
Mặc dù nguồn thu từ tài nguyên là tương đối lớn nhưng về lâu dài lại không bền vững. Theo tôi, sức sản xuất, và sáng tạo mới là điều quan trọng để tạo giá trị gia tăng cao hơn. Do đó, cần phải đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp trong nước.
Thời gian tới, cần phải giảm chi thường xuyên và tăng cho đầu tư phát triển, quan trọng là hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.