Đắk Lắk: Chủ động nguồn nhân lực thu hái cà phê

Bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2020 - 2021, tỉnh Đắk Lắk chủ động xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê để khắc phục tình trạng khan hiếm nhân công như những năm trước đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Ea Kao, TP Buôn Mê Thuột thu hoạch cà phê. Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN

Huyện Krông Năng có .818 ha trồng cây lâu năm; trong đó, cà phê là cây trồng thế mạnh của địa phương với diện tích cho sản phẩm khoảng 21.075 ha, sản lượng niên vụ 2019 - 2020 đạt 66.537 tấn. Năm nay, huyện chủ động quản lý, giám sát các đối tượng, đại lý thu mua cà phê nhằm kiểm soát dịch, giúp người dân yên tâm thu hoạch; đồng thời, hỗ trợ người dân thu hoạch cà phê đảm bảo chất lượng và tính toán phương án huy động nhân công thu hái.

Ông Trương Hoài Anh, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khả năng người dân từ các tỉnh miền Trung đến Đắk Lắk thu hái cà phê sẽ giảm so với các năm trước. Từ cuối tháng 4 đến nay, huyện Krông Năng đã tiếp nhận hơn 12.000 người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về lại địa phương. Huyện đang khảo sát nhu cầu của người dân để có phương án hỗ trợ kịp thời; đồng thời có kế hoạch sử dụng lao động tại chỗ, lượng lao động vừa trở về để thu hái cà phê niên vụ 2020 - 2021.

Phó Chủ tịch UBND xã Dliê Ya, huyện Krông Năng Đặng Văn Thiện đánh giá, niên vụ cà phê 2020 - 2021 xã không thiếu nhân công thu hoạch bởi hơn 6.000 ha cà phê trên địa bàn hàng năm thu hoạch muộn nên có thể điều tiết lực lượng lao động từ các xã, thị trấn hoặc huyện khác đến hỗ trợ. Mặt khác, số lượng người dân trở về từ các tỉnh phía Nam nhiều, chưa có việc làm, đang chờ hết dịch mới quyết định quay lại nơi làm việc cũ hoặc sẽ ở lại địa phương nên xã có thể tận dụng nguồn lao động này cho mùa vụ thu hoạch cà phê.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 210.000 ha cà phê, năng suất bình quân đạt gần 25 tạ cà phê nhân/ha. Thời điểm thu hoạch cà phê chủ yếu từ tháng 10 đến hết tháng 12 hàng năm. Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, thời điểm thu hoạch cà phê, một ha cần khoảng 10 – 15 nhân công thu hoạch trong khoảng thời gian 10 - 15 ngày.

Để chủ động giải quyết bài toán nhân công thu hái cà phê niên vụ 2020 - 2021, ngày 21/10/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn 10301 về xây dựng các phương án huy động nhân lực thu hái cà phê trong điều kiện dịch COVID-19. Công văn nêu rõ, niên vụ cà phê chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính, do đó cần nguồn nhân lực lớn để thu hái, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.

Qua theo dõi, vào mùa vụ thu hoạch cà phê, toàn tỉnh cần hàng triệu công lao động. Những năm trước, nhân lực của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động thu hái cà phê, còn lại phải huy động từ các tỉnh khác. Với tình hình dịch như hiện nay, việc huy động lao động từ các địa phương khác sẽ rất khó khăn.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo UBND cấp huyện xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê phù hợp với diễn biến dịch 4 cấp độ, tương ứng với 4 màu xanh - vàng - cam - đỏ. Trong trường hợp ở cấp độ 3 (nguy cơ dịch cao - vùng cam) và cấp độ 4 (nguy cơ dịch rất cao - vùng đỏ), việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, thu hoạch các loại nông sản; trong đó có cà phê sẽ rất khó khăn. Trường hợp cần thiết, UBND các cấp làm việc với cơ quan quân sự địa phương để đề xuất huy động lực lượng vũ trang tham gia thu hái cà phê.

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp, cập nhật thông tin, hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê. Sở Công Thương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, đơn vị liên quan và các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp đến thu mua cà phê của người dân, đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quang Thuân cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hơn 160.000 công dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương. Qua khảo sát, nhiều lao động dự định ở lại địa phương đến hết Tết Nguyên đán 2022. Do đó, Sở phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm và các địa phương vận động, bố trí, điều tiết lực lượng lao động này phục vụ cho việc thu hái, phơi sấy, xay xát, bảo quản cà phê.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc tận dụng nguồn lao động tại chỗ, trong nhiều phương án ứng phó với tình hình dịch, ngành cùng các địa phương tính toán đến phương án huy động hội đoàn thể vào cuộc hoặc xây dựng các tổ, đội, nhóm luân phiên hỗ trợ, đổi công thu hái cà phê. Sở lập danh sách các đơn vị thu mua uy tín, đơn vị vận chuyển để cung cấp cho người dân và hướng dẫn người dân chuẩn bị sân phơi, máy sấy nhằm chủ động ứng phó với mưa bão.

Ngoài ra, Sở tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chủ động kết nối thị trường để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy; có kế hoạch, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi giá cà phê xuống quá thấp hoặc khó khăn trong tiêu thụ.

Giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đang được thu mua 41.000 đồng/kg, tăng hơn so với niên vụ trước. Giá ngày công thu hoạch cà phê từ 180.000 – 200.000 đồng/người hoặc khoán theo sản phẩm. Việc tính toán, xây dựng phương án nhân công thu hái cà phê của tỉnh nhằm hỗ trợ người dân thu hoạch hiệu quả, đảm bảo chất lượng, vừa phòng chống dịch vừa tận dụng nguồn lao động dồi dào trở về địa phương.

Hoài Thu (TTXVN)
Kon Tum 'khát' lao động cho vụ thu hái cà phê
Kon Tum 'khát' lao động cho vụ thu hái cà phê

Liên tiếp bão lũ dồn dập khiến người trồng cà phê ở Kon Tum đứng ngồi không yên. Lực lượng lao động từ các tỉnh miền Trung do bão lũ đã không lên khiến nhu cầu tìm lao động hái cà phê trở nên bức bách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN