Bưởi đặc sản Đoan Hùng sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Vũ Sinh |
Trước mắt, Chi Cục sẽ phối hợp với huyện Đoan Hùng triển khai xây dựng 3 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng tại thành phố Việt Trì và huyện Đoan Hùng; đồng thời thành lập tổ giám sát chất lượng bưởi Đoan Hùng trước khi đưa ra thị trường, thí điểm dán 200.000 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc lên bưởi đặc sản đạt chất lượng của 2 vùng bưởi nổi tiếng Chí Đám, Bằng Luân.
Thông qua tem điện tử thông minh, người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình mua như giống bưởi, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản, hàm lượng các chất trong bưởi, ảnh sản phẩm, video giới thiệu về sản phẩm… Đặc biệt, tem điện tử không thể làm giả và được quản lý chặt chẽ, từng quả bưởi sẽ được tổ giám sát đánh giá chất lượng trước khi được dán tem.
Bưởi đặc sản Đoan Hùng từ lâu nổi tiếng khắp cả nước bởi mùi thơm đặc biệt, vị ngọt mát, vỏ mỏng, tôm mọng nước, là món quà mà bất kỳ du khách nào khi đến Phú Thọ đều muốn được thưởng thức. Hiện sản lượng bưởi Đoan Hùng không đáp ứng được như cầu của thị trường vì thế trên thị trường hiện nay bưởi giả, bưởi không đảm bảo chất lượng được bày bán tràn lan khiến người tiêu dùng mất lòng tin, ảnh hưởng tới uy tín của thương hiệu bưởi Đoan Hùng.
Đến nay, diện tích bưởi đặc sản Đoan Hùng được mở rộng đạt 1.116 ha, năng suất bưởi kinh doanh năm 2016 đạt 119 tạ/ha, sản lượng đạt 10.300 tấn. So với năm 2011, diện tích bưởi đặc sản Đoan Hùng tăng 14%; năng suất tăng trên 88%; sản lượng tăng gấp đôi. Giá trị thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm (đạt 200% so mục tiêu); nhiều diện tích cho thu nhập 400 - 600 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Minh Xuyên, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết, trong lộ trình tới năm 2020, huyện sẽ tiếp tục phát triển cây bưởi nói chung và bưởi đặc sản Đoan Hùng nói riêng; tăng diện tích trồng bưởi đặc sản lên hơn 1.500 ha, phấn đấu sản lượng đạt 12.000 tấn, giá trị sản phẩm trên 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kênh thông tin và dự báo thị trường nông sản của tỉnh; trong đó có thông tin về thị trường bưởi (số lượng, địa chỉ sản xuất, cung ứng, giá bán,..); xác định nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với từng chủng loại bưởi. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, giới thiệu sản phẩm bưởi tại các hội chợ, hội thi về sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và phát triển kênh phân phối chính thức và uy tín như siêu thị; hình thành một số cửa hàng cung ứng sản phẩm theo chuỗi...