Dự án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, tạo động lực để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn “nằm im” suốt nhiều năm qua.
Lý giải nguyên nhân vì sao 4 tuyến đường với dài 11,9 km nhưng tổng mức đầu tư lên tới 12.182 tỷ đồng, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư) cho biết, công ty đã tiếp nhận dự án từ Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) và được cơ quan có chuyên môn thẩm duyệt.
Việc triển khai dự án trong điều kiện địa chất khu vực yếu, hầu hết là đất sình lầy nên phải thi công bằng phương pháp trụ đất gia cố xi măng và bấc thấm hút chân không nên làm gia tăng chi phí xây dựng. Ngoài ra, việc phát sinh chi phí cao còn do cao trình xây dựng của 4 tuyến đường lên đến 3,4 - 3,8m trên mực nước biển để đảm bảo chống ngập.
Về quá trình triển khai dự án 4 tuyến đường chính, ngày 19/12/2008, UBND Tp. Hồ Chí Minh có văn bản số 7910/UBND-ĐTMT chấp thuận cho VIDIFI lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT. Sau đó, UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm tuyến Vòng cung châu thổ, nên dự án có 4 tuyến đường.
Các tuyến đường gồm Đại lộ Vòng cung (tuyến R1), đường ven hồ trung tâm (tuyến R2), đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3), đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (tuyến R4). Trên toàn tuyến có 10 cây cầu bao gồm 2 cầu cạn.
Tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chấp thuận đồng thời giao UBND Tp. Hồ Chí Minh quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT này. Trên cơ sở đó, năm 2010, UBND Tp. Hồ Chí Minh giao quyền đầu tư dự án cho VIDIFI.
Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế và nhận thấy dự án xây dựng 4 tuyến đường nói trên có tổng vốn đầu tư rất lớn, VIDIFI đã đề xuất hợp tác đầu tư cùng Đại Quang Minh. Ngày 7/12/2012, Tp. Hồ Chí Minh đồng ý với sự hợp tác trên.
Nhưng đến ngày 27/5/2013, VIDIFI có công văn gửi UBND thành phố xin rút khỏi liên doanh thực hiện dự án. Tháng 6/2013, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất trên và chấp thuận cho Đại Quang Minh thay thế VIDIFI triển khai 4 tuyến đường với tổng mức đầu tư 12.182 tỷ đồng, bao gồm 3.917 tỷ đồng là chi phí dự phòng trượt giá và chi phí lãi vay.
Tháng 2/2014, Đại Quang Minh chính thức khởi công dự án. Tiếp đó ngày 22/5/2014, Đại Quang Minh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông vào chung một hợp đồng BT với dự án 4 tuyến đường chính.
Về cơ chế đầu tư và thanh toán hợp đồng BT cho dự án này, năm 2014, Tp. Hồ Chí Minh giao cho Đại Quang Minh gần 79ha “đất vàng” tại 2 phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông ở quận 2; trong đó có 36ha là đất ở và thương mại dịch vụ, 8,73 ha đất công trình công cộng và tiện ích xã hội như trường học, nhà văn hóa, bến du thuyền; 1,79ha đất xây dựng công viên cây xanh và 31,25ha đất giao thông.
Ngoài ra, liên quan đến hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại Quang Minh cũng được UBND Tp. Hồ Chí Minh giao làm chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hợp đồng BT. Tuy nhiên hiện nay dự án đang vướng giải phóng mặt bằng phía đường Tôn Đức Thắng.
Mới đây, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã giao các sở ngành liên quan tham mưu để UBND thành phố đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng Công ty Ba Son – Công ty TNHH MTV và Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 2 khẩn trương bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Để thực hiện các dự án này, UBND Tp. Hồ Chí Minh chấp thuận giao một số khu đất phía Bắc đường Mai Chí Thọ và 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 6.
Khu đô thị này nằm trong lõi xanh của khu đô thị mới Thủ Thiêm, mặt tiền đường Mai Chí Thọ, có quy mô 234 căn biệt thự, 395 căn nhà ở kết hợp thương mại, 5.600 căn hộ cao cấp, tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp với bến du thuyền 65 chỗ đậu, khách sạn 5 sao, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại…