Dịch bệnh đã trở thành lực đẩy chính khiến giá vàng bùng nổ, lên ngưỡng cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 24/7 trên thị trường New York, vàng được giao dịch ở mức 1.902,02 USD/ounce, cao hơn 30% so với mức đáy hồi tháng 3 và chỉ còn kém 1% so với mức kỉ lục của giá vàng được thiết lập năm 2011.
Virus SARS-CoV-2 đã tạo ra nhu cầu lớn về tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn – thứ mà vàng có ưu thế. Lo sợ tiếp tục đóng cửa, quyết định của các chính trị gia bung các gọi cứu trợ quy mô lớn chưa từng thấy cùng với tốc độ in tiền được đẩy nhanh tại các ngân hàng trung ương để hỗ trợ chi tiêu tài khóa, đồng USD mất giá, lạm phát ở mức thấp, căng thẳng Mỹ-Trung - đó đều là những nhân tố khiến nhà đầu tư tìm đến vàng.
Các nhân tố này khi được kết hợp cùng lúc đã tạo ra quan ngại trong giới tài chính. Đó là tình trạng lạm phát đình trệ - một hình thái mà ở đó tăng trưởng suy giảm, nhưng lạm phát lại tăng, làm các khoản đầu tư tài sản cố định mất giá trị, có thể sẽ xảy ra ở các nền kinh tế phát triển.
Tại Mỹ, nơi COVID-19 vẫn đang hoành hành, hồi phục kinh tế chậm chạp, mối quan tâm, lo ngại về lạm phát đình trệ ngày một lớn. Kỳ vọng của nhà đầu tư về lạm phát hàng năm trong một thập kỉ tới – chỉ số được đong đếm bởi thông số trên thị trường trái phiếu dưới khái niệm “điểm hòa vốn”, đã tăng lên trong 4 tháng gần đây sau khi sụt giảm hồi tháng 3. Hôm 24/7, mức kỳ vọng đó là 1,5%.
Dù vẫn thấp hơn ngưỡng lạm phát mục tiêu 2% mà Cục dự trữ Liên bang (FED) đề ra cho năm 2020, nhưng tỉ lệ này cũng cao hơn nhiều mức lợi tức 0,59% của trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm.
Động lực chính trong đợt tăng giá mới nhất của vàng “chính là tỉ lệ lãi suất thực tế tiếp tục giảm, không có dấu hiệu sớm ngừng lại”, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của tập đoàn Oanda (New York) nhận định. Vàng còn là kênh thu hút nhà đầu tư bởi họ lo ngại lạm phát định trệ sẽ thắng thế và còn kéo dài ngay cả khi FED có động thái can thiệp.
Thị trường trái phiếu Mỹ đẩy vàng tăng giá, khi vàng đóng vai trò là công cụ phòng thủ hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất thực của trái phiếu Mỹ rơi xuống mức âm sau khi điều chỉnh lạm phát. Nhà đầu tư đang tìm kiếm các nơi trú ẩn an toàn mới mà ở đó tài sản không bị mất giá trị.
Cơn thèm khát vàng giờ đây cũng đã tác động mạnh đến các công ty sản xuất, bán lẻ quy mô vừa và nhỏ. Giới đầu tư bán lẻ đã giúp các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục (ETF) quay trở lại thu lợi từ vàng trong 18 tuần liên tiếp – một quãng thời gian dài nhất kể từ năm 2006. Cùng lúc, vàng ghi nhận tuần thứ 7 tăng giá vào phiên giao dịch cuối tuần hôm 24/7 và giới phân tích chưa nhìn thấy điểm dừng trong ngắn hạn.
Các chuyên gia đã dự báo đà đi lên của giá vàng từ nhiều tháng trước. Trong tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Bank of America (BoA) nâng mức dự báo của giá vàng lên 3.000 USD/ounce trong thời hạn 18 tháng tới.
Trả lời phỏng vấn hôm 24/7, Francisco Blanch – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa và chứng khoán phái sinh tại BoA nhìn nhận, đại dịch đang tạo ra lực hút đối với vàng. Tiềm ẩn đối đầu địa chính trị khốc liệt Mỹ-Trung cũng củng cố thêm cho nhận định giá vàng đạt mốc 3.000 USD/ounce trong 18 tháng tới.
Dự báo của BoA được đưa ra sau khi vàng rớt giá trong tháng 3, khi nhà đầu tư tìm đến tiền mặt để trang trải những khoản lỗ trong các khoản đầu tư tài sản mạo hiểm hơn. Giá vàng nhanh chóng hồi phục sau khi FED cắt giảm biểu lãi suất, cùng với đó là tín hiệu cho thấy kinh tế suy giảm buộc chính phủ và ngân hàng trung ương các nước tung ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn.