Đó là mục tiêu được đặt ra tại Hội thảo ban đầu về báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 có xét đến năm 2045 do Viện Năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/8, tại Hà Nội.
Tại hội nghị các đại biểu đã cùng nhau xem xét, đánh giá, phân tích một cách có hệ thống hậu quả của các tác động môi trường từ các phương án phát triển của Quy hoạch được đề xuất để lựa chọn phương án phát triển điện phù hợp.
Các phương án phát triển đều được so sánh với lợi ích kinh tế mang lại, làm cơ sở lựa chọn phương án thực hiện Quy hoạch điện VIII đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và môi trường, phát triển bền vững của đất nước và thực hiện các cam kết quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đạt trung bình khoảng trên 10%/năm trong suốt giai đoạn 2011 – 2019. Phụ tải điện của Việt Nam theo dự báo vẫn còn tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021 – 2030 với tốc độ bình quân khoảng 8%/năm, giai đoạn 2031 – 2045 với tốc độ bình quân trên 4%/năm.
Quy hoạch điện VIII sẽ định hướng tương lai phát triển của ngành điện trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo; định lượng các mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ của các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch để bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước...
Tại hội thảo, đại diện Viện Năng lượng đã trình bày phương pháp luận thực hiện đánh giá tác động môi trường. Theo đó, hiện việc đánh giá gặp nhiều khó khăn trong lấy thông tin hoặc xem xét sự chồng lấn giữa các quy hoạch bởi quy hoạch điện được thực hiện đầu tiên so với các quy hoạch khác.
Các kịch bản đưa ra đều xem xét đến chi phí ngoại sinh cho từng phương án nguồn điện, từ đó đánh giá lợi ích và huy động nguồn điện như thế nào cho phù hợp.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, đơn vị nghiên cứu Quy hoạch Điện cần tính ra mức công suất dự phòng trong giai đoạn dài hơi. Có những nhà máy điện từ khi đặt vấn đề theo đuổi, xây dựng, đến khi làm được mất 10 - 11 năm, trượt ra khỏi quy hoạch. Trong 10 năm qua, số dự án điện gió đăng ký nhiều để hưởng ưu đãi về giá FIT (các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ), nhưng đến nay, thời gian giá ưu đãi đã gần hết, trong khi các dự án đều gặp khó.
Thứ hai, công nghệ hiện nay ngày càng phát triển và thay đổi, chỉ trong vài năm, công nghệ mới đã xuất hiện. Vì vậy, trong nghiên cứu của mình, Viện Năng lượng nên trải đều ra tại các vị trí có thêm hệ thống tích trữ điện. Việc này có thể tiến hành nhanh hơn nhiều so với xây dựng các nhà máy điện tích năng. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên nhiều, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn thì những nhà máy tích điện rất có ích, ông Tiến cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Hệ thống điện, Viện Năng lượng cho rằng, chúng ta đã có kịch bản để tính đến rủi ro và các tác động rồi nên thời gian tới cần xem xét bổ sung gì vào hệ thống điện. Một kịch bản nữa là các nguồn điện không vào đúng tiến độ thì phải làm thế nào. Đây là một trong các công việc thường xuyên, hàng quý, hàng tháng, Bộ Công Thương và Chính phủ đều yêu cầu Viện tính toán, cân đối, tiến độ đưa vào thực tế của tất cả nguồn điện; từ đó, đưa ra giải pháp đảm bảo cung ứng điện.
Về công nghệ phát triển, ông Thắng cũng cho hay, doanh nghiệp rất quan tâm đến thiết bị tích điện. "Trong phần trình bày của tôi có nói tới pin tích điện, thủy điện tích năng. Quy hoạch điện sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng, có kết cấu, có mức “room”, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có thể quan tâm lĩnh vực đó. Còn việc vận hành như thế nào lại thuộc thị trường điện. Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách giá về mua thấp điểm, cao điểm, công suất đặt, công suất điều tần, công suất dự phòng quay… để các nhà đầu tư có thể quan tâm, đầu tư”, ông Thắng nói.