Dự kiến, đầu tháng 9/2020, tỉnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Đồng Nai cho biết, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 51 km, đi qua địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và thành phố Long Khánh.
Để thực hiện dự án, Đồng Nai phải thu hồi hơn 400 ha đất của gần 1.250 tổ chức, cá nhân và di dời nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tổng nguồn vốn chi cho giải phóng mặt bằng gần 2.700 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết người dân tại các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ.
Riêng tại huyện Xuân Lộc (địa phương có diện tích đất cần thu hồi lớn với trên 270 ha của hơn 900 tổ chức, cá nhân thuộc 9 xã), hiện tỉnh đã hoàn thành chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho hơn 520 trường hợp. Số còn lại (trên 340 hộ, 10 tổ chức), Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án bồi thường đất, tỉnh đang chờ chủ đầu tư chuyển tiền để chi trả cho người dân. Nếu chủ đầu tư chuyển tiền trong tháng 8 này, thì đầu tháng 9/2020, Đồng Nai sẽ bàn giao xong toàn bộ mặt bằng dự án.
Theo ông Nguyễn Hồng Quế, song song với việc giải phóng mặt bằng, thời gian qua Đồng Nai đang gấp rút thực hiện các thủ tục để xây dựng 2 khu tái định cư (tại huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc) để bố trí chỗ ở cho người dân nhường đất phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Dự kiến, cuối năm nay, người dân sẽ bốc thăm nhận đất ở khu tái định cư.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài khoảng 99 km, là dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam cửa ngõ phía Đông.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (địa phận tỉnh Bình Thuận) điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Mới đây, Quốc hội đã có Nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ PPP sang đầu tư công.