Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng chiều dài 99 km, là dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam cửa ngõ phía Đông. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (địa phận tỉnh Bình Thuận) điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Riêng chiều dài tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa bàn Đồng Nai dài 51,5 km, qua 4 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và thành phố Long Khánh.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tỉnh phải thu hồi hơn 412 ha đất tại 4 huyện. Đến nay, việc thu hồi đất tại các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất và thành phố Long Khánh đã cơ bản hoàn thành, người dân đã nhận tiền bồi thường. Riêng huyện Xuân Lộc đã có 322 được chi trả hơn 400 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện vẫn còn hơn 350 trường hợp với số tiền 770 tỷ đồng đang chờ Bộ Giao thông Vận tải duyệt phương án bồi thường trong đợt 2 sắp tới.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long phối hợp với UBND huyện Xuân Lộc khẩn trương xây dựng kế hoạch việc bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi. Ban quản lý thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; phối hợp với các địa phương có dự án đi qua sớm tháo gỡ những vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết phấn đấu đến cuối quý III/2020 sẽ khởi công xây dựng dự án.
Đối với dự án cầu vượt ngã tư Dầu Giây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 chuyển tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho địa phương để UBND huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thu hồi, bàn giao mặt bằng trước ngày 20/5/2020.