Đầu tư nước ngoài yên tâm đổ vào Việt Nam

Việt Nam đang mở cửa trở lại nền kinh tế với các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã khôi phục gần 90%. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng gấp đôi trong năm 2022, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ rót vốn vào Việt Nam.

Chú thích ảnh
Niềm tin của nhà đầu tư ngày càng được củng cố khi Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm

Hơn 31 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam năm 2021. Dù chưa thể so với mức trên tỷ USD từng đạt được trong năm 2019, song trong bối cảnh đại dịch COVID-19, con số này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với điểm đến Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Về địa bàn đầu tư, thành phố Hải Phòng là địa phương có số vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, với 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn FDI của cả nước, kế đến là Long An, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội. Điều này cho thấy, đầu tư nước ngoài vẫn được thu hút tập trung tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài dự báo: Nếu tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tốt, các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn nữa tới Việt Nam. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam đang hướng tới là ngành có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa cao để đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát kéo dài trong năm 2021 dẫn tới việc hạn chế nhập cảnh và áp dụng chính sách cách ly dài ngày đã làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp (KCN) làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam”, ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Vina CPK cho biết. Niềm tin của nhà đầu tư càng được củng cố khi Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Do vậy, mặc dù tổng vốn FDI năm 2021 vẫn đạt 31,15 tỷ USD song số lượng dự án đăng ký năm 2021 giảm khá mạnh. Cụ thể: Năm 2021 có 1.7 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 31,1% về số lượng so với năm 2020, nhưng tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD, tăng 4,1%; 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn (giảm 13,6%) với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD (tăng 40,5%). Ngoài ra, có 3.797 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm ,2%) với giá trị gần 6,9 tỷ USD (giảm 7,7%).

Cải thiện môi trường đầu tư

Cộng đồng doanh nghiệp FDI đã và đang đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh; đồng thời cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Tăng trưởng GDP năm 2022 vẫn có thể đạt 7% đến 7,5%.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút FDI, gồm: Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào; tình hình chính trị ổn định, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) phân tích: Việc nằm trong khu vực phục hồi kinh tế tích cực trong năm 2022, cũng như nằm trong đà phục hồi của mạng sản xuất khu vực châu Á góp phần quan trọng để Việt Nam tăng tốc thu hút FDI. “Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là RCEP. Các hiệp định này sẽ mở ra không gian mới cho các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, khi kinh tế của cả khu vực phục hồi, các nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc, ra các quyết định đầu tư để đa dạng hóa cơ sở sản xuất”, ông Nguyễn Anh Dương cho biết.

“Trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương có quy mô lớn như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định EVFTA; các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh; Việt Nam đã phê chuẩn và Cộng đồng chung châu Âu đang đi đến phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

“Hoạt động FDI vẫn đang là điểm sáng, phản ánh sức thu hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc, EU... cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam”, PGS TS Nguyễn Chí Hải - Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh) nhận định.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thực hiện một số giải pháp nhằm “giữ chân” và đẩy mạnh thu hút FDI như: Xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch; Xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút FDI; tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô vững mạnh, ổn định; có chiến lược đúng trong xử lý dịch COVID-19; đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Chu Hải Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê):

Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Giải pháp quan trọng nhất hiện nay sau khi người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và đang tiêm mũi vaccine tăng cường là mở cửa có kiểm soát đối với quốc tế. Đây là giải pháp cơ bản để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tạo động lực thu hút FDI.

Việt Nam phải luôn tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài; tạo điều kiện tối đa cho chuyên gia và lao động nước ngoài nhập cảnh; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư; nghiên cứu và ban hành chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút FDI có chất lượng.

Ông Jacquet Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB):

Đại dịch COVID-19 cho thấy vai trò của việc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá cho việc đa dạng hóa. Việt Nam có sức hút lớn với các nhà đầu tư FDI, do nền kinh tế năng động, lao động có chi phí thấp và làm việc chăm chỉ, hiệu quả, Việt Nam cũng có các cơ chế ưu đãi thuế, từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư...

Kinh tế xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc. Tuy nhiên, sang năm 2022, việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và châu Âu, sự trầm lắng của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam, cần nhanh chóng thích ứng để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu. 
Minh Phương/Báo Tin tức
Các nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam
Các nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Chuyên trang Vietnam Briefing của tập đoàn Dezan Shira & Associates ngày 31/12 đăng bài viết nhận định các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 dù Việt Nam vừa trải qua một năm đầy thách thức với những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN