Đầu tư vào khu công nghiệp – khu chế xuất: Cần hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ

Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ có mặt bằng và nhà xưởng mà cần phát triển đồng bộ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như đời sống cho đội ngũ lao động.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. 

Đây là nhận định của của các chuyên gia tại Hội thảo "Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, ngày 9/6.

Vùng trũng thu hút đầu tư

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước đã thành lập được 335 khu công nghiệp với tổng diện tích 97.840 ha, trong đó 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 53,5%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76%. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 Khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 850.000 ha. Trong các khu kinh tế, có khu công nghiệp (17 khu công nghiệp đang hoạt động và 21 khu công nghiệp đang xây dựng). 

Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.7 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong khu công nghiệp khu kinh tế đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020; đóng góp gần 12% tổng thu ngân sách nhà nước.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch (VIAC) cho biết, với định hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ở một số tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển, thu ngân sách từ các khu công nghiệp chiếm hơn 60% tổng thu ngân sách. Hiện nay, trong xu thế bất động sản công nghiệp đang tăng trưởng nóng, phân khúc thị trường này có nhiều tiềm năng phát triển và có sự sôi động. 

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Cụ thể, trong Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020 các doanh nghiệp được ưu đãi đầu tư về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn, giảm tiền thuê đất trong một số giai đoạn. Các chế độ miễn, giảm cụ thể được quy định trong pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về thu tiền thuê đất.

Bên cạnh ưu đãi đầu tư, các Nghị định của Chính phủ còn quy định về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp như: Phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được phê duyệt trong từng giai đoạn.

Các tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất. Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc giao cho đơn vị sự nghiệp có thu làm nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chế xuất (nhà nước trực tiếp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất để cho các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp thuê)…

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội thảo. 

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC chia sẻ, với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cơ sở hạ tầng đồng bộ, khoa học công nghệ phát triển, lực lượng lao động có tay nghề và trình độ kiến thức chuyên môn cao, tính đến nay TP.Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có lượng thu hút vốn FDI cao nhất cả nước với gần 11.000 dự án, tổng vốn đầu tư đạt gần 54 tỷ USD. 

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.Hồ Chí Minh thu hút được gần 300 dự án đầu tư với tổng mức vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ. Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI vào TP.Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, việc Tp.Hồ Chí Minh thu hút được số lượng cũng như quy mô đầu tư tương đương với cùng kỳ năm 2021 cho thấy các ngành sản xuất vẫn được duy trì được sức hút với các nhà đầu tư.

Cần thiết lập hệ sinh thái thu hút đầu tư 

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định: Dòng vốn đầu tư mới đang luân chuyển nhanh sau đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến môi trường, điều kiện đầu tư tại Việt Nam chính là thời điểm để chúng ta đón đầu cơ hội. Nhờ các chính sách ưu đãi nên có nhiều lợi thế trở thành điểm đến các nhà đầu tư lựa chọn. Thuận lợi là không phủ nhận nhưng thời gian qua việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế còn hạn chế do các nhà đầu tư chưa được hỗ trợ nhiều; quy hoạch các khu chưa gắn với quy hoạch tổng thể và bám sát nhu cầu thực tế… 

Nhiều địa phương tư duy đơn giản, cho rằng thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế chỉ đơn giản là cung cấp mặt bằng, nhà xưởng cho nhà đầu tư chứ chưa phát triển hệ sinh thái cho doanh nghiệp, đặc biệt là chưa hình thành khu vực hỗ trợ kinh doanh đạt chuẩn quốc tế. 

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, có những giai đoạn số lượng khu công nghiệp tăng lên nhanh chóng nhưng thực tế việc vận hành, phát huy hiệu quả thu hút đầu tư của các khu vẫn còn rất nhiều hạn chế. Cụ thể, các khu công nghiệp lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu - Mỹ. Chủ trương tích hợp các khu công nghiệp với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các khu công nghiệp. Sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các khu công nghiệp không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những hạn chế trên cần được khắc phục bằng việc đầu tư phát triển hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ, tiện ích để phục vụ sản xuất và cả những nhu cầu đời sống cho đội ngũ lao động làm việc trong các khu từ việc kết nối giao thông vận tải, dịch vụ logistics đến nhà ở, siêu thị, trường học, bệnh viện…Có thể lấy ví dụ về  khu công nghiệp SHXIP ở Thượng Hải (Trung Quốc) là điển hình cho việc xây dựng một hệ sinh thái thu hút đầu tư khi khu công nghiệp này có vị trí thuận lợi trong kết nối quốc tế (sân bay, bến cảng, đường bộ, đường sắt,…). Nội khu có tới 26 trường đại học, 3 trường phổ thông trung học quốc tế, có 3 khách sạn quốc tế hạng sang, có 1,2 km2 để phát triển mạng lưới dịch vụ logistics, hệ thống giao thông kết nối hiện đại. Nhờ đó, khu công nghiêp này đã thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu thế giới với 50% nhà đầu tư đến từ châu Âu và Bắc Mỹ.

Ở gốc độ doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc phát triển doanh nghiệp Công ty Cổ phần Long Hậu (Khu công nghiệp Long Hậu, Long An) chia sẻ: Thực trạng chung của nhiều khu công nghiệp hiện nay là đã được quy hoạch trong thời gian dài nhưng chủ yếu là quy hoạch mặt bằng trống hoặc nhà xưởng thô sơ mà thiếu các đầu mối và dịch vụ cần thiết để triển khai sản xuất cũng như phục vụ sinh hoạt cho người lao động. 

“Trong khi đó, các dịch vụ và tiện ích chính là yếu tố thu hút và giữ chân nhà đầu tư cũng như người lao động làm việc lâu dài trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Để duy trì vị thế là các “vùng trũng” thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần có những cải cách thể chế nhiều hơn, đặc biệt là có giải pháp nâng cấp dịch vụ trong các khu để tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư”,  ông Bùi Lê Anh Hiếu nêu đề xuất.

Tin, ảnh: Xuân Anh  (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Mở rộng phạm vi ưu đãi trong Luật Dầu khí (sửa đổi) để thu hút đầu tư
Bên lề Quốc hội: Mở rộng phạm vi ưu đãi trong Luật Dầu khí (sửa đổi) để thu hút đầu tư

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 Chương 64 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN