Giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay, logistics (ngành được coi là “mạch máu” lưu thông của nền kinh tế, tạo chuỗi liên kết để các khâu cung ứng nguyên liệu, sản xuất, đưa hàng hóa ra thị trường được vận hành tối ưu) là một trong những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Vì vậy, từ khía cạnh nguồn nhân lực, đổi mới đào tạo, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động đối với nguồn nhân lực logistics là nhiệm vụ các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp - bậc học có chức năng đào tạo, cung ứng nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tăng cường thực hiện.
Nhu cầu từ thị trường lao động
Theo Báo cáo Dự báo kỹ năng nghề - ngành logistics giai đoạn 2021-2023 do Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành nghề logistics thực hiện, nguồn nhân lực lĩnh vực logistics ở Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt, trong đó, những vị trí công việc đang thiếu hụt nhiều có thể kể đến như công nghệ thông tin logistics, kinh doanh logistics và điều độ, khai thác vận tải kho hàng…
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 4.000 công ty logistics chuyên nghiệp trong tổng số hơn 30.000 doanh nghiệp liên quan đến logistics với nhu cầu tuyển dụng đến năm 2030 là khoảng 200.000 nhân lực. Trong đó, một số vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao là nhân viên giao nhận hàng hóa, nhân viên hành chính logistics, nhân viên khai báo hải quan, điều hành vận tải, công nghệ thông tin, nhân viên lập kế hoạch xếp dỡ, marketing trực tuyến.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Minh, để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động lĩnh vực logistics, trong quá trình đào tạo, các nhà trường, đơn vị cần đặc biệt chú ý trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng phát triển năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, kỹ năng sử dụng phần mềm liên quan đến nghiệp vụ, kỹ năng số cho nhân lực logistics, kỹ năng xã hội và cảm xúc.
Còn ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng - STC cho rằng, tại Việt Nam, logistics hiện là ngành nghề rất được quan tâm. Ngành đang phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%, đóng góp khoảng 5% vào GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Tuy có tiềm năng phát triển song ngành logistics ở Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu hụt nhân lực lớn. Theo nhiều khảo sát, nguồn nhân lực ngành logistisc hiện nay về cơ bản còn thiếu và yếu.
Trong khi đó, theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước hiện có trên 50 trường cao đẳng và trung cấp có đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực logictics với quy mô đào tạo hàng năm từ 9.000 - 11.000 người. Ngoài ra, hàng năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho từ 30.000 đến 45.000 lượt lao động thuộc các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động, tích cực phục hồi kinh tế sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tình trạng thiếu hụt lao động, trong đó có lao động trong lĩnh vực logistics đang xảy ra.
Tăng cường phối hợp trang bị kỹ năng nghề
Để cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực logistics cho thị trường lao động, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực logistics cần tập trung toàn lực thực hiện công tác tuyển sinh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch tuyển sinh các trình độ giáo dục nghề nghiệp năm 2022 đã đề ra.
Các cơ sở đào tạo duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ tốt nghiệp, tốt nghiệp khá giỏi các trình độ trong lĩnh vực logistics để đảm bảo ổn định đầu ra nguồn nhân lực, góp phần giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở đào tạo cần phối hợp cùng doanh nghiệp ngay từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp ra trường đúng ngành, nghề và trình độ đào tạo. Các đơn vị tổ chức đưa học sinh, sinh viên, nhất là học sinh, sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để vừa nâng cao kỹ năng nghề cho người học vừa hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung nhân lực đang thiếu hụt.
Xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động, nhìn nhận thuận lợi, khó khăn đối với tuyển sinh và đào tạo nhân lực lĩnh vực logistics, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang tăng cường công tác tuyển sinh, đổi mới đào tạo theo hướng tích cực phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh trang bị kỹ năng nghề cho người học.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh Trần Quốc Hải cho biết, nhà trường có thuận lợi lớn là “đứng chân” tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế sôi động của cả nước. Không những thế, trường nằm ngay trên trục đường kết nối giao thông khu vực phía Nam, gần Khu chế xuất Tân Thuận, Cảng Sài Gòn, Cảng Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước… luôn có nhu cầu về nhân lực, nhất là nhân lực lĩnh vực logistics. Nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, ở các ngành, trường thực hiện 2 loại hình đào tạo chính quy và ngắn hạn, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo đối với ngành logistics.
Trong công tác tuyển sinh, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh thành lập bộ phận tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh đến các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, phường, xã tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để tư vấn, hướng nghiệp về ngành logistics, hướng dẫn thí sinh tới tham quan, tìm hiểu về ngành học.
Đối với công tác đào tạo, trường xây dựng chương trình đào tạo dựa trên năng lực thực hiện. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, với ngành logistics, nhà trường đã được đầu tư xây dựng kho hàng mô phỏng, phần mềm quản lý kho, xe nâng hàng, kho hàng thực tế. Nhà trường kết nối, ký kết với nhiều doanh nghiệp lĩnh vực logistics như Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại - dịch vụ Thái Dương Toàn Cầu, Công ty cổ phần đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng, Công ty Transimex, Công ty U&I Logictics, tạo điều kiện cho học sinh có nơi thực hành, thực tập thuận lợi, khi ra trường sớm thích nghi với môi trường làm việc hiện đại của doanh nghiệp. Nhà trường chủ động mời đại diện doanh nghiệp phối hợp cùng giáo viên đánh giá năng lực của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi đánh giá năng lực. Với những nỗ lực của tập thể nhà trường, từ năm 2017 đến nay, lượng học sinh đăng ký nhập học ngành logistics tại trường luôn tăng đều hàng năm.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Nguyễn Văn Chương, trường đóng trên địa bàn hai huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiện trường đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp ở 16 ngành, nghề, 6 ngành, nghề được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn quy hoạch là nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và quốc gia. Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh và đào tạo, trường vẫn tuyển được trên 2.650 học sinh, sinh viên theo học ở nhiều ngành, nghề, trong đó có ngành, nghề thuộc lĩnh vực logistics, đạt 121% kế hoạch đề ra.
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đặc biệt chú ý trang bị kỹ năng liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trường đã xây dựng mối quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều doanh nghiệp để hoàn thiện chương trình đào tạo, hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành, thực tập tại doanh nghiệp cũng như tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, đối với ngành, nghề lĩnh vực logistics, ở các vị trí việc làm như quản lý kho hàng, xếp dỡ cơ giới tổng hợp, nhà trường đang hợp tác với một số công ty thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, doanh nghiệp ở khu công nghiệp lớn ngay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như Hố Nai, Sông Mây, Long Bình, Amata, Giang Điền, Bàu Xéo, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 để xây dựng kế hoạch đào tạo, cung ứng nhân lực phù hợp kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp theo từng giai đoạn.