Đẩy mạnh đầu tư công nghệ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo các chuyên gia, mỗi năm, Việt Nam chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu các linh kiện, máy móc, thiết bị để sản xuất. Việc thiếu đầu tư về khoa học và công nghệ (KH&CN) để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không chủ động được nguồn cung nguyên liệu sản xuất.

Chưa phát huy tiềm lực

Theo đánh giá của các chuyên gia, do thiếu rất nhiều các thiết bị phụ trợ, nên ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không đạt kỳ vọng, “lẹt đẹt” với tỷ lệ nội địa hóa còn đang dưới mức 20%, nhất là dòng xe con và xe chuyên dùng. Với tỷ lệ nội địa hóa thấp như hiện nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ rất khó có thể đứng vững, tồn tại và phát triển khi theo lộ trình cắt giảm thuế quan của hiệp định TPP, đến năm 2018, sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm xuống mức 0 và 5%.

Cần đầu tư mạnh tay cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải, thị trường ô tô chưa phát triển như mong đợi vì ngành công nghiệp phụ trợ chưa được đầu tư một cách thích đáng. Hầu hết các chi tiết linh phụ kiện phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số Việt Nam đều chưa thể tự sản xuất trong nước, mà vẫn phải nhập khẩu, khâu sản xuất trong nước mới chỉ dừng lại ở lắp ráp.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa trong ngành chế tạo ô tô mới chỉ đạt 5 - 20%, điện tử đạt 5 - 10%, các ngành da giày, dệt may khoảng 3%, công nghệ cao chỉ đạt 2%. Trong tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,03%. Hầu hết nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo phụ tùng và thiết bị phụ trợ phải nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém.

Theo ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN: Công nghiệp hỗ trợ và cơ khí, chế tạo của Việt Nam còn yếu kém là do hầu hết doanh nghiệp đều thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiết bị lạc hậu, sản xuất manh mún. Đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực có hàm lượng KHCN cao, lực lượng cán bộ khoa học có trình độ hầu hết ở độ tuổi cao, lực lượng công nhân có khả năng tiếp nhận các kiến thức công nghệ hiện đại còn hạn chế...

Chú trọng đầu tư công nghệ

Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ - CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó đưa ra hàng loạt giải pháp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp để chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Quang, Vụ phó Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KH&CN, chính sách đã có, nhưng để chính sách đến được với doanh nghiệp một cách có hiệu quả nhất, cần sự “thấu hiểu” của Nhà nước. Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ không thể thiếu yếu tố công nghệ và vốn. Kinh nghiệm của một số nước như: Hàn Quốc, Thái Lan... là xây dựng mối liên kết chặt chẽ và thông suốt giữa các doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp lắp ráp, chế tạo; nâng tầm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ là các nhà thầu phụ... và đưa các nội dung này vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhờ đó đã thành công trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần phải có sự quy hoạch các chính sách cụ thể về hỗ trợ về công nghệ phát triển các sản phẩm nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, cần tạo sự thông thoáng để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư và mở rộng nghiên cứu, sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ có hiệu quả, trong đó ưu tiên chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để nâng cáo trình độ năng lực công nghệ quốc gia.

“Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên kết lực lượng nghiên cứu và phát triển KH&CN với đơn vị sản xuất kinh doanh; đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc các lĩnh vực công nghiệp cơ khí chủ chốt. Dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng được 3 - 5 phòng thí nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại đạt trình độ khu vực và thế giới thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí, thiết bị điện, dệt may, da giày... để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Hậu cho biết.
TN
Công nghiệp hỗ trợ cần có chính sách đột phá
Công nghiệp hỗ trợ cần có chính sách đột phá

Sau hàng chục năm được “xây dựng và thúc đẩy”, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn ì ạch. Doanh nghiệp (DN) nội dù rất nỗ lực để tham gia vào chuỗi giá trị của CNHT nhưng vẫn loay hoay, trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước dường như chưa “trúng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN