Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngay cả khi không xảy ra dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi cũng phải tái cơ cấu, bởi hiện tỷ trọng lợn đang lớn quá, gây mất cân đối, trong khi đại gia súc mới chỉ chiếm khoảng 7%. Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt theo hướng hạn hán nên tương lai không thể đủ nước để duy trì 3,8 triệu ha đất lúa và 1,5 triệu ha ngô được. Do đó, chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang là lợi thế rất lớn để tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, so với thế giới thì hiện nay sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam còn rất thấp, chỉ bình quân 3 kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm (thế giới là 9kg thị bò và 80 lít sữa/người/năm).
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi gia súc ăn cỏ là lĩnh vực chăn nuôi quan trọng ở nước ta, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, góp phần không nhỏ trong việc cung cấp một lượng thực phẩm thiết yếu cho con người.
Những năm trở lại đây, nhu cầu tiêu dùng thịt đỏ gia tăng, đồng thời, do chu kỳ sinh sản kéo dài nên tốc độ tái đàn chậm hơn số lượng trâu bị giết thịt nên số lượng trâu không ngừng giảm. Tổng đàn trâu của cả nước giảm, tuy nhiên sản lượng thịt trâu vẫn tăng đều trong 3 năm, mức tăng trưởng trung bình đạt 3,13%/năm.
Trước đây, trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trâu bò chủ yếu để cung cấp sức kéo. Những năm gần đây, nguồn sức kéo động vật dần được thay thế bằng máy móc, nhưng chăn nuôi trâu bò vẫn không bị loại bỏ, mà tiếp tục mở rộng để cung cấp thịt, sữa. Bên cạnh đó, chăn nuôi một số động vật nhai lại khác như dê, cừu phát triển mạnh. Bởi các vật nuôi này có khả năng sử dụng và chuyển hóa các loại thức ăn thô xanh, phụ phẩm công - nông nghiệp thành sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao (thịt đỏ, sữa) làm thực phẩm cho con người.
Mặt khác, chăn nuôi gia súc ăn cỏ tận dụng tối đa các nguồn lợi tự nhiên (bãi chăn thả) và nguồn lợi con người ở vùng nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, gia súc ăn cỏ có khả năng thích ứng và chống chịu với điều kiện sống khó khăn như hạn hán, nắng nóng. Với những đặc tính sinh học trên, gia súc ăn cỏ được xác định là một trong những vật nuôi chính được định hướng ưu tiên phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Mặc dù là lĩnh vực khá quan trọng của ngành chăn nuôi, nhưng chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Với chăn nuôi bò thịt, tại nhiều địa phương, do thực hiện chương trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, nên các bãi chăn thả tự nhiên dành cho bò càng ngày càng thu hẹp dần.
Trong khi đó do hạn chế về đất đai, sản lượng cỏ trồng chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu thức ăn thô xanh của gia súc ăn cỏ. Mặt khác, do chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp, nhiều người chuyển từ sản xuất chăn nuôi sang kinh doanh dịch vụ đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển đàn bò.
Bên cạnh đó, chăn nuôi bò ở nước ta về cơ bản là quy mô nhỏ, phân tán, thả rông nên kém bền vững. Trong khi đó chăn nuôi trang trại mặc dù đã hình thành, nhưng khó phát triển nhanh vì thiếu quỹ đất và giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Giá thành sản xuất thịt bò trong nước cao hơn so với thịt bò nhập khẩu từ nước ngoài.
Với chăn nuôi trâu, khối lượng trâu đã giảm mạnh, báo động trong công tác quản lý giống trâu. Khối lượng trung bình cơ thể trâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm do yếu tố dinh dưỡng và chất lượng giống ngày càng giảm. Thực tế chăn nuôi trâu thời gian qua cho thấy có hiện tượng chọn lọc ngược. Trâu khoẻ thường được chọn bán hoặc giết thịt, đồng thời, người nuôi trâu thích nuôi trâu cái, tỷ lệ giống trâu đực và trâu cái không tương xứng.
Mặt khác, chăn nuôi trâu phổ biến là phân tán trong các nông hộ tại các vùng đồng bằng và chăn thả theo đàn tại các tỉnh miền núi, trung du; nguồn thức ăn dựa vào chăn thả tự nhiên là chính, kết hợp bổ sung thêm rơm, cỏ khô. Nhu cầu dinh dưỡng của trâu không đảm bảo nên đã hạn chế khả năng sinh sản và năng suất thịt.
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, đến năm 2030, chăn nuôi gia súc ăn cỏ sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi thâm canh trên cơ sở khai thác và sử dụng có hiệu quả các điều kiện tự nhiên kinh tế-xã hội của địa phương.