Lấy đà từ “chiến thắng” của con tôm
Tại hội nghị "Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016" do Bộ Công Thương tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ngày 19/7, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam cho biết: "Mới đây Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận về chống phá giá tôm, đây là tin vui cho ngành và là động lực để các ngành khác học hỏi. Với doanh nghiệp Minh Phú vốn là nhà XK tôm hàng đầu của Việt Nam, đã được đưa ra khỏi diện áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ sẽ giúp cho doanh nghiệp này đẩy mạnh XK vào thị trường Hoa Kỳ. XK tôm 6 tháng qua chỉ tăng gần 6% nhưng tin vui là trong top 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho Hoa Kỳ, duy nhất Việt Nam tăng cả khối lượng và giá trị XK. Với tin vui này các doanh nghiệp XK tôm đã có kế hoạch đẩy mạnh XK vào thị trường đầy tiềm năng này và chúng tôi tin XK tôm sẽ vượt kế hoạch đề ra", ông Hòe thông tin.
Các ngành chức năng đang sát cánh cùng doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh XK các tháng cuối năm. |
Ông Lê Phước Vũ, TGĐ Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho hay đơn vị đã chủ động đa dạng hóa ngành nghề, đón đầu cơ hội từ các Hiệp định Thương mại mang lại. Là đơn vị XK các sản phẩm công nghiệp nặng, doanh nghiệp đang lo ngại về xu hướng các vụ kiện chống phá giá đang có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. "Việc con tôm chiến thắng là tiền lệ để cho các doanh nghiệp khác mạnh dạn hơn trong triển khai những giải pháp tăng tính cạnh tranh và phòng vệ thương mại. Mục tiêu của chúng tôi trong 5 năm tới sẽ không còn nhập siêu nữa mà sẽ xuất siêu, khoảng 1 tỷ USD. Theo tôi Bộ Công Thương cần hạn chế cấp phép các dự án mà năng lực các doanh nghiệp trong nước thừa sức làm, góp phần gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt", ông Vũ nói thêm.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay các doanh nghiệp phải tăng cường củng cố thị trường truyền thống và mở thị trường mới. Với ngành lúa gạo, hiện phía Trung Quốc chỉ mua giá thấp, nếu giá cao sẽ chuyển sang các thị trường khác. Vì thế doanh nghiệp cần có giải pháp điều hành linh hoạt hạn chế rủi ro. Riêng những thị trường truyền thống khác, các doanh nghiệp phải làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, hạn chế dàn trải và có những bước củng cố bền vững. Hiện ngành đang kết hợp với ngành chức năng tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng được thị trường, tránh hạn chế hoặc phụ thuộc quá nhiều vào một, hai thị trường
Thực hiện nhiều giải pháp
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng qua kim ngạch XK cả nước chỉ đạt hơn 82 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nhiều nhóm XK chủ lực của Việt Nam tăng nhẹ như: nông - lâm - thủy sản tăng 4%, công nghiệp chế biến tăng gần 9%...”. Kế hoạch của ngành, giá trị XK năm nay phải tăng tới 10% so với năm 2015. Để đạt được nhiệm vụ đề ra đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các nhà hoạch định chính sách cho đến doanh nghiệp sản xuất", ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, xét theo yếu tố chu kỳ, thời điểm 6 tháng cuối năm luôn có những yếu tố thuận lợi hơn thời điểm đầu năm và thường có tỷ lệ tăng khoảng hơn 10%. Đây là khoảng thời gian các Hiệp định Thương mại kinh tế mới ký kết bắt đầu phát huy tác dụng và doanh nghiệp có thể tranh thủ hưởng lợi. Đây cũng là tiền đề cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong nước và XK, giúp hàng hóa trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên bà Thảo cũng lưu ý, xúc tiến thương mại hay phổ biến thông tin về các Hiệp định Thương mại không phải là giải pháp để tăng nhanh kim ngạch XK ngay mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong việc tự xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, tìm hiểu thông tin về các Hiệp định, tìm kiếm bạn hàng...
Còn theo ông Trương Đình Hòe, để đẩy mạnh được XK, Nhà nước cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, bỏ bớt một số thủ tục không cần thiết gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp XK. Đối với "vấn nạn" của các doanh nghiệp gặp phải hiện nay về những vấn đề phát sinh trong rào cản thương mại, Nhà nước cần tăng cường công tác vận động, ngoại giao, cũng như có giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để những ưu đãi về thuế quan, xuất xứ... từ các Hiệp định Thương mại mang lại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ tìm những giải pháp cụ thể giúp hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như nỗ lực đảm bảo nguyên liệu sạch đạt chuẩn xâm nhập các thị trường quốc tế. Thị trường phải chấp nhận cạnh tranh nhưng các doanh nghiệp phải chú ý về giá thành và chất lượng. Phải tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các doanh nghiệp phải có những giải pháp cụ thể để khai thác thị trường Trung Quốc và bắt đầu ngay từ quí III, cũng như tổ chức lại khâu sản xuất đảm bảo chất lượng và nguồn hàng ổn định.
"Từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ NN - PTNT có hội nghị làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để làm sao tăng cường sự liên kết, đảm bảo nâng cao được chất lượng các loại nông sản xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt sẽ có sự tham gia sâu của Nhà nước trong XK, điều hành. Chúng ta không nên cho rằng vai trò xúc tiến thương mại chỉ là của Chính phủ mà còn là bản thân của mỗi doanh nghiệp và các Hiệp hội vì vai trò của các Hiệp hội là để xây dựng phát triển thị trường. Riêng về các rào cản thương mại, Bộ đang có những giải pháp quyết liệt và sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, các tham tán thương mại ở nước ngoài để giúp các doanh nghiệp XK hạn chế được những rủi ro". Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương |