Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhất là tôm, đặc biệt là tôm sú. Trung Quốc đã vượt cả Hàn Quốc (thị trường thường đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam). Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Tuy nhiên ông Nam cũng lưu ý, khi thị trường Trung Quốc gia tăng nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến cách mua hàng của doanh nghiệp Trung Quốc để tránh tác động về sau. Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề xuất, hiện nay Việt Nam chưa đánh thuế với doanh nghiệp nước ngoài mua bán nông lâm thuỷ sản tại Việt Nam nên các bộ, ngành cần nghiên cứu trường hợp này. Cùng với đó, cần đưa ra yêu cầu kiểm soát hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như phải có giấy chứng nhận để tránh tình trạng lợi dụng sự giao thương này buôn bán hàng không đạt chất lượng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như tránh những tác động tiêu cực trở lại.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc là thị trường gần và nhập khẩu rất nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, do đó cần ưu tiên, tập trung số một vào thị trường này, thứ hai là thị trường Mỹ và Nhật Bản bởi đây là 2 thị trường tiêu thụ tốt. Thứ 3 là các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu; trong đó Nga đang có nhu cầu hàng thủy sản cao, cùng với đó là tập trung vào Trung Đông và Bắc Phi; cá tra có thể đẩy mạnh sang châu Phi và châu Mỹ La Tinh; tăng đàm phán để đẩy nhanh xuất khẩu tôm vào Australia.
Đối với các mặt hàng trái cây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đã làm hồ sơ thêm các loại quả khác để thúc đẩy mở cửa sang Trung Quốc. Cục sẽ phối hợp với Trung Quốc hoàn tất các thủ tục liên quan nhằm đưa các mặt hàng này xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai các mặt hàng nông sản Việt Nam. Mặc dù là thị trường lớn, hấp dẫn nhưng đây cũng là thị trường có hệ thống luật pháp phức tạp với nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại. Các vấn đề liên quan đến Luật Nông trại mới của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, đơn vị này đang tích cực hợp tác và hoàn thiện các thủ tục đăng ký để tránh không bị gián đoạn xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ.
Đối với rau quả sang Hoa Kỳ, thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ xem xét cho phép xoài và vú sữa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này.
Về thị trường Nhật Bản, thị trường này đang áp dụng kiểm tra 100% lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu kháng sinh, gây tăng chi phí lưu kho, lưu bãi do chờ kết quả kiểm tra mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường này. Bên cạnh đó, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản bị kiểm tra 2 lần do chưa có cơ chế thừa nhận lẫn nhau về chất lượng nông lâm thủy sản và hàng hóa giữa hai nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian và làm tăng chi phí, giá cả hàng hóa xuất khẩu.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, đối với thị trường Nhật Bản, thời gian tới cần tháo gỡ rào cản về mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh Enrofloxacin áp dụng với tôm của Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định như của các nước phát triển khác. Thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác và cơ chế công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản về chất lượng nông lâm thủy sản và hàng hóa nhằm tháo gỡ nút thắt cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ đăng ký để Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sớm công nhận năng lực và thừa nhận kết quả kiểm nghiệm nông sản thủy sản của các phòng kiểm nghiệm Việt Nam, tránh kiểm tra hai lần, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất khẩu. Đối với rau quả, đẩy nhanh tiến độ cho phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ và vải thiều của Việt Nam vào Nhật Bản.
Riêng đối với mặt hàng gạo, trong 10 tháng xuất khẩu được 4,2 triệu tấn, đạt giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về sản lượng và 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có khi kéo dài sang năm 2017. Vụ Đông Xuân đã bắt đầu được gieo sạ và đến tháng 1, tháng 2/2017 là có lúa. Do vậy phải tìm biện pháp giải quyết khó khăn, tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại nếu không việc tiêu thụ gạo sẽ rất khó.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cần nhanh chóng tổ chức đoàn sang tìm hiểu khó khăn cũng như xúc tiến thương mại tại thị trường Philippines để đẩy nhanh xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Không chỉ đối với mặt hàng gạo, mà ngay cả các mặt hàng khác như thủy sản, tiêu, sắn…. Thứ trưởng Trần Thanh Nam còn yêu cầu các đơn vị của Bộ cần tổ chức các buổi hội thảo với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, phổ biến những quy định, quy tắc của từng thị trường nhập khẩu đối với cụ thể từng mặt hàng./.