Phát biểu tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng nhóm công tác Ngân hàng Thế giới cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cũng như đảm bảo triển khai thực hiện đúng kế hoạch đề ra, các địa phương cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu sớm thi công các hạng mục của Dự án. Cùng với đó, ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố có Dự án tiếp tục vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và sự thay đổi mạnh mẽ của ban quản lý dự án trong thực hiện Dự án để đảm bảo tiến độ đề ra.
Năm 2023 sẽ kết thúc thời hạn 6 năm thực hiện Dự án. Trước nguy cơ không sử dụng hết vốn ODA đã phân bổ, đại diện Ngân hàng Thế giới yêu cầu các tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này. Các tỉnh nếu không sử dụng hết vốn của Dự án trong năm nay sẽ không được chuyển tiếp sang năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Dự án đã triển khai tại Hậu Giang theo đúng mục đích, yêu cầu và tiêu chí được đoàn công tác Ngân hàng Thế giới khảo sát và chấp thuận. Đến thời điểm này dự án triển khai hơn 3 năm, do đó còn khoảng 18 tháng nữa sẽ kết thúc thời gian ký Hiệp định. Do đó, công việc triển khai đến thời điểm này của tỉnh đã hoàn tất các thủ tục, đảm bảo điều kiện chuyển sang giai đoạn 2. Đối với Dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vị Thanh giai đoạn 1 đã có những hạng mục hoàn thành, có những hạn mục giai đoạn 2 đang triển khai giải phóng mặt bằng.
Từ nay đến cuối năm 2022, thành phố Vị Thanh tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu. Riêng gói thầu xây dựng đường giao thông 1/5 hoàn thành trong năm 2022. Các gói thầu cải tạo hoàn thành trước tháng 7 năm 2023 gồm hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với đường Lê Hồng Phong, kênh Cái Nhúc, hồ Tam Giác, khu Lia 1.
Nhìn chung, các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu triển khai Dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam. Nguyên nhân do các tỉnh chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, bước đầu rất lúng túng. Ngay từ khi lập đề xuất chủ trương đầu tư vào năm 2017 đến nay có nhiều thay đổi. Như thay đổi về chính sách, giá đất, nhà, vật kiến trúc.
Dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam có 7 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long An) tham gia, số hộ đền bù, tái định cư, ảnh hưởng lớn. Do đó, tỷ lệ giải ngân chung nguồn vốn ODA của dự án mới đạt khoảng 25%, đây là điều đáng lo ngại. Nhiều nhà thầu triển khai chậm, chưa quyết liệt; trong đó có nguyên nhân do dịch bệnh COVID-19, giá vật liệu xây dựng tăng.
Đối với địa bàn tỉnh Hậu Giang, Dự án tăng vốn khoảng 180 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu là 846 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư đến nay trên 1.000 tỷ đồng với 4 hợp phần.