Đó là thông tin được ghi nhận tại hội nghị tổng kết chuyến công tác hỗ trợ thực hiện dự án do đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhóm công tác của Bộ Xây dựng thực hiện, tổ chức ngày 18/12 tại thành phố Cần Thơ.
Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những dự án thuộc Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020 được phê duyệt tại Quyết định 758/QĐ-TTg, ngày 8/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của dự án là nhằm xóa đói giảm nghèo đô thị thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện môi trường sống của các cộng đồng nghèo và thúc đẩy phương pháp lập kế hoạch nâng cấp có sự tham gia của cộng đồng.
Dự án có tổng kinh phí 398 triệu USD; trong đó, 292 triệu USD là vốn vay từ WB còn 106 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2018 tại 6 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là Cà Mau, Cần Thơ, Cao Lãnh, Mỹ Tho, Rạch Giá và Trà Vinh.
Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý, điều phối dự án thông qua Ban quản lý dự án phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị; tổ chức thực hiện là Ban quản lý 6 Tiểu dự án tại các thành phố nói trên.
Dự án có 5 hợp phần với Hợp phần 1: nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp ba tại các khu vực có thu nhập thấp; hợp phần 2: hỗ trợ cơ sở hạ tầng cấp một và cấp hai; Hợp phần 3: các khu tái định cư; Hợp phần 4: thực hiện và quản lý dự án; Hợp phần 5: hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Xây dựng để thực hiện Chương trình Nâng cấp đô thị Quốc gia và Điều phối dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), tính đến hết tháng 11/2018, dự án đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đề ra; trong đó, có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch dự kiến. Ước tính, tổng số người hưởng lợi của dự án khoảng 1,15 triệu người; trong đó có 566.000 người hưởng lợi trực tiếp và 587.000 người hưởng lợi gián tiếp.
Dự án đã nâng cấp xong 114/114 khu có thu nhập thấp (low income area - LIA) theo thiết kế ban đầu. Xây mới, nâng cấp 214 km đường; 374 km cống thoát nước trong các khu LIA; hơn 40.000 hộ gia đình được kết nối với hệ thống cấp nước có đồng hồ; gần 40.000 hộ gia đình được đấu nối với các bể tự hoại/đường ống thoát nước mới cải tạo, xây mới hoặc nâng cấp 49 trường học phục vụ cho khoảng 35.000 học sinh và giáo viên được hưởng lợi trực tiếp.
Theo bà Hoàng Thị Hoa, chuyên gia phát triển đô thị cao cấp của Ngân hàng Thế giới, đoàn công tác Ngân hàng Thế giới thực hiện đánh giá dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long đồng bộ như các dự án khác và dự kiến đánh giá dự này ở mức độ “hài lòng”.
Nhấn mạnh đây là mức độ rất khó để đạt được, bà Hoa cho biết nhóm thực hiện dự án hài lòng bởi vì đây là dự án có tỷ lệ hài lòng của người dân cao nhất. Theo kết quả khảo sát xã hội học của Tư vấn Giám sát đánh giá thực hiện tháng 11/2018, có 97,7% người hưởng lợi trong LIA hài lòng về dự án (kế hoạch là 90%).
Cũng theo bà Hoa, ngoài các chỉ số ở mức cao và đánh giá hài lòng của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án thì người sử dụng - những người hưởng lợi cuối cùng, đánh giá rất cao về dự án.
Ông Trần Quốc Thái, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết, hiện đã sắp đến thời điểm đóng dự án (28/12/2018), do đó các thành phố tham gia cần chủ động thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình với tư cách là chủ đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để tiến hành các quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, bên cạnh đáp ứng các yêu cầu mà phía WB đã nêu.
Bên cạnh đó, với những hạng mục đã hoàn thành của dự án, ông Thái đề nghị các địa phương hoàn tất thủ tục để bàn giao, giao nhiệm vụ cho các đơn vị quản lý bố trí ngân sách để duy tu, bảo dưỡng, đưa những hạng mục này vào vận hành trong điều kiện tốt nhất.