Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong những năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự phát triển nhưng để tương xứng với tiềm năng, ĐBSCL cần chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn diện và tích cực với mục tiêu đến năm 2020 đưa ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước và đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đất nước.
Hiện nay, kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với lợi thế có các sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Nhờ đó, khu vực nông nghiệp tăng trưởng bình quân 6,9%/năm. Thu nhập mỗi héc ta đất sản xuất nông nghiệp từ 20,2 triệu đồng trước đây nay tăng lên 39 triệu đồng. Năng suất lúa từ 4,3 tấn/ha tăng lên 6,3 tấn/ha, sản lượng lúa từ 12,8 triệu tấn (năm 1995) tăng lên 24,5 triệu tấn (năm 2012). Hàng năm, ĐBSCL xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, trị giá trên 3 tỷ USD.
Thu hoạch dứa tại xã Tân Tiến, TP. Vị Thanh (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Thủy sản cũng là ngành phát triển mạnh trong những năm qua và trở thành vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước với gần 800.000 ha (tăng 500.000 ha so với 10 năm trước). Các mặt hàng tôm, cá tra đã trở thành một trong những ngành kinh tế chiến lược của quốc gia. Sản lượng cá tra của ĐBSCL đã vượt hơn 1 triệu tấn/năm, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,4 tỷ USD. Sản lượng tôm cũng chiếm 80% và đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.
Song song với phát triển nông nghiệp, ĐBSCL cũng quan tâm đầu tư tới lĩnh vực công nghiệp. Toàn vùng tập trung khai thác các lĩnh vực thế mạnh như chế biến nông, thủy sản và từng bước đầu phát triển công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí. Đến năm 2012, sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt giá trị 157.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so năm 2011. Hiện nhiều dự án lớn như xây dựng Trung tâm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), Nhà máy điện Duyên Hải (Trà Vinh), Nhà máy nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm nhiệt điện sông Hậu (Hậu Giang), đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đã và đang được triển khai xây dựng.
Cá tra, basa file là một trong những mặt hàng góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu vùng ĐBSCL trong tháng 8/2013 đạt hơn 974 triệu USD. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Trong hoạt động thương mại, ĐBSCL đã phát triển khá tốt các kênh lưu thông phân phối với hệ thống chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ. Mấy năm gần đây, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước được đẩy mạnh, góp phần khai thác tốt thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu hữu hiệu hơn. Trong năm 2012, giá trị bán lẻ hàng hóa đạt trên 456.000 tỷ đồng, tăng 25% so năm 2011, giá trị hàng xuất khẩu đạt 9,8 tỷ USD, tăng 3 lần so 10 năm trước.
Mục tiêu tăng trưởng GDP của vùng: Với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân từ nay đến năm 2020 của vùng đạt 12 - 13%/năm; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP giảm xuống còn 30 - 32%, công nghiệp - xây dựng tăng lên 35 - 36%, khu vực thương mại - dịch vụ 35 - 36%, ĐBSCL tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm. |
Đối với kinh tế biển, các tỉnh ĐBSCL tập trung đầu tư cho vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm 4 tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau); xây dựng Cần Thơ thành trung tâm động lực của cả vùng; đưa đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thành đặc khu hành chính - kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực Đông Nam Á; xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, có chính sách hữu hiệu thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở nhằm tạo đột phá thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trước mắt, ĐBSCL xây dựng các công trình trọng điểm của vùng như nhà máy điện sử dụng than, khí thiên nhiên tại Trung tâm điện lực Ô Môn (Cần Thơ), nhiệt điện than tại Trung tâm điện lực Kiên Lương (Kiên Giang), Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh), Trung tâm điện lực Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm điện lực sông Hậu (Hậu Giang); xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến N2 và N1; tuyến đường ven biển, luồng tàu có trọng tải lớn vào các cảng trong vùng ĐBSCL; các cầu Cổ Chiên, Vàm Cống, Cao Lãnh…
Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước; huy động sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách riêng cho ĐBSCL về thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp và nguồn nhân lực. ĐBSCL đẩy mạnh chương trình hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và với Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và nước ngoài nhằm tạo nguồn lực thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm.
Riêng đối với nông nghiệp, ĐBSCL giữ vững vai trò là trung tâm lúa gạo của cả nước. Từ nay đến năm 2020, ĐBSCL phấn đấu chuyển toàn bộ các cây con giống sang giống mới, có chất lượng cao; hình thành những trung tâm cây ăn trái, lúa, tôm, cá, cây công nghiệp ngắn ngày; giảm tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch còn 3,5% bằng cách đầu tư mạnh cho công nghiệp bảo quản sau thu hoạch. ĐBSCL đổi mới công nghệ để chế biến sản phẩm tinh, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể đưa thẳng vào siêu thị đồng thời đưa vào sản xuất một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL bằng công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới đồng thời xây dựng một số viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ có trình độ cao làm nòng cốt giải quyết những vấn đề khoa học, công nghệ liên quan đến nông nghiệp của vùng.
Thế Đạt