Để hàng Việt 'phủ sóng' rộng hơn nữa

Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tuy hàng Việt Nam đang có những ưu thế nhất định trong hệ thống bán lẻ hiện đại song vị trí ở đâu trong các chợ truyền thống lại chưa thể xác định được. Chính vì vậy, tại hội thảo “Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại - Cần một chiến lược lâu dài” diễn ra ngày 18/9, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có thêm nhiều giải pháp để hàng Việt “phủ sóng” rộng hơn nữa.

 

“Cán cân” hàng nội, hàng ngoại thay đổi tích cực


Dẫn chứng cho việc hàng Việt Nam đang ngày càng là sự lựa chọn của nhiều người, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa dẫn số liệu của một tổ chức điều tra người tiêu dùng cho biết, trước khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 77% người tiêu dùng ưa chuộng hàng nhãn hiệu nước ngoài và muốn mua nhãn hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay sau 3 năm thực hiện cuộc vận động đã có hơn 71% ưa chuộng và sử dụng hàng Việt. Đây là cơ hội lớn cho hàng Việt bán trong nước.


 

Chương trình “Ngày vàng hàng Việt” tại chợ Rạch Ông, quận 8, TP Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tiểu thương và người tiêu dùng tham gia. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

 

Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, nếu như trước kia hàng Việt Nam bán ở các siêu thị chỉ gần 50% thì hiện nay, tỷ lệ này cao hơn nhiều như: Vinatex Mart cam kết bán 100% hàng nội, Big C là 95%,… và các siêu thị khác cũng đang nâng dần tỷ trọng.


Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tại nhiều siêu thị, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn từ 70% đến hơn 90%... Thay vì lựa chọn các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài, người tiêu dùng đã chú trọng lựa chọn các mặt hàng được sản xuất trong nước. Cụ thể, người tiêu dùng có chiều hướng tăng sử dụng hàng nội đối với một số mặt hàng trước đây hàng ngoại được ưa chuộng, như đồ gia dụng, sữa, thực phẩm chức năng, bia, rượu, nước giải khát... các mặt hàng may mặc, thực phẩm tươi sống, đông lạnh... hàng Việt Nam chiếm gần như tuyệt đối.


Cũng theo bà Nga, hiện nay, độ tuổi người dân Việt Nam dưới 30 tuổi chiếm khoảng 60%, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, doanh số tiêu dùng hàng cao cấp có xu hướng tăng. Điều này sẽ khiến xu hướng người tiêu dùng lựa chọn loại hình bán lẻ hiện đại nâng lên và sẽ là cơ hội cho loại hình bán lẻ này phát triển và trở thành kênh tiêu thụ hàng Việt hiệu quả trong tương lai.

 

Tìm chiến lược mở rộng thị phần


Hiện nay, hàng Việt Nam có chỗ đứng tốt hơn ở kênh bán lẻ hiện đại nhưng tỷ lệ thương mại hiện đại so với truyền thống của nước ta còn thấp. Cho đến nay, thị phần các loại hình thương mại hiện đại chỉ chiếm khoảng 24% (tỷ lệ này ở Thái Lan hiện khoảng 65 - 70%). Việc phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại vẫn còn chậm do doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, mặt bằng...


Điều này có nghĩa là, tuy hàng Việt chiếm thị phần cao ở hệ thống bán lẻ hiện đại nhưng tỷ lệ tiêu dùng hàng Việt trong tổng mức tiêu dùng hàng hóa vẫn chưa cao. Tại các chợ truyền thống, hàng Việt vẫn lép vế so với hàng nhập ngoại.


Các chuyên gia thương mại cho rằng, chủng loại hàng hóa sản xuất trong nước chưa phong phú, khối lượng hàng hóa còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã bao bì chưa đẹp. Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.


Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, để tăng độ “phủ sóng” hàng hóa Việt Nam trên thị trường, thời gian tới, Nhà nước cần có các giải pháp như: hỗ trợ đào tạo; tư vấn pháp lý; xúc tiến thương mại; ưu đãi thuế, phí, vốn; hỗ trợ tiếp cận công nghệ hiện đại của các tập đoàn tiên tiến trên thế giới; tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường...


Còn theo Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, để hàng hóa trong nước có sức cạnh tranh hơn trong tương lai cần đi từ gốc vấn đề là phải có sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả hợp lý cho từng phân khúc thị trường bởi không có một sản phẩm nào có thể hài lòng tất cả mọi người; tập trung hỗ trợ nguồn lực cho những sản phẩm ưu tiên, có sự cạnh tranh; có chiến lược truyền thông liên tục và đổi mới từ quan điểm, cách làm từ Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội. Bên cạnh đó là hỗ trợ doanh nghiệp phân phối - bán lẻ trong xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Còn đại diện Liên hiệp HTX TP.HCM cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần thiết phải có các chính sách thiết thực để hỗ trợ những nhà bán lẻ thuần Việt phát triển mạng lưới bán lẻ phù hợp.


“Giả sử người tiêu dùng mua sản phẩm giá 100.000 đồng/tháng tại kênh phân phối bán lẻ hiện đại thì với khoảng 14 triệu người/70 triệu người tiêu dùng thì doanh thu của kênh này sẽ là 1.400 tỷ đồng. Nếu 1.400 tỷ đồng dành cho sản phẩm Việt, doanh nghiệp Việt thì sẽ tạo công ăn, việc làm cho rất nhiều người lao động và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn và phát triển bền vững”, bà Loan phân tích.

 


Thu Hường

Đưa hàng Việt Nam chất lượng cao sang Myanmar

Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) và C.T Group chính thức ký kết hợp tác phân phối tại Myanmar (Mianma) nhằm tăng cường cơ hội cho hàng Việt Nam mở rộng thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu tập thể HVNCLC tại Mianma.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN