Theo khuyến cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc Mỹ vừa ban hành Luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA) sẽ gây nhiều tác động đến cơ hội kinh doanh đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ cần phải sử dụng phần mềm hợp pháp, nếu không, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ đánh mất thị trường và cơ hội kinh doanh.
Đóng dấu các sản phẩm xuất khẩu tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thuộc Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: TTXVN
|
Rất nhiều bang của nước Mỹ gần đây đã thông qua Luật Cạnh tranh không lành mạnh yêu cầu các nhà sản xuất và xuất khẩu trên thế giới phải sử dụng công nghệ thông tin, cả phần cứng và phần mềm hợp pháp trong việc sản xuất cũng như trong mọi hoạt động thương mại từ văn phòng đến nhà máy. Phía Mỹ đưa ra luật này vì cho rằng, sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp sẽ mang lại cho nhà sản xuất một lợi thế về giá nhưng không bình đẳng so với những đối thủ cạnh tranh đang sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin hợp pháp.
Các chuyên gia thương mại của VCCI cho rằng, luật mới sẽ gây tác động đến các mặt hàng từ châu Á (trong đó có Việt Nam) xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, bộ luật này chính là một cơ hội lớn để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ tại những quốc gia có mức độ tuân thủ luật sở hữu trí tuệ thấp.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, giá bán sản phẩm thấp là một lợi thế của các nhà xuất khẩu Việt Nam. Bà cũng nói thêm rằng: “Trong cuộc đua nhằm cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp có thể sẽ lựa chọn giữa các việc nhập nguyên liệu giá thành thấp, thuê các lao động không có tay nghề và sử dụng phần cứng, phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) mà không phải trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, về lâu về dài, các sản phẩm giá thành thấp sẽ không thể giúp các doanh nghiệp phát triển và tiếp cận với phân khúc thị trường hàng cao cấp nơi các khách hàng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Ngoài ra, việc sử dụng phần cứng, phần mềm không có bản quyền sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam dần mất đi tính cạnh tranh trên các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu...”.
Do đó, bà Hằng cho rằng các cơ quan Chính phủ và các tổ chức quốc tế cần ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đang tiếp cận các giải pháp CNTT có bản quyền phù hợp cũng như cung cấp thông tin liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp nhằm giúp họ hoàn toàn yên tâm tham gia vào các tổ chức kinh tế toàn cầu.
Ông Đoàn Tử Tích Phước, Phó Trưởng Ban Điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ, “Luật Cạnh tranh không lành mạnh của Mỹ sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của những doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin hợp pháp trong tất cả mọi hoạt động kinh doanh của họ”. Ông Tích Phước còn cho biết thêm: “Trên thực tế, các doanh nghiệp tuân thủ đúng Luật Bản quyền Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định của Luật Cạnh tranh không lành mạnh và còn được hưởng lợi từ bộ luật này trong việc cạnh tranh kinh doanh và nhận được sự ủng hộ trên thị trường quốc tế”.
Do đó, các chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia luật đều khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ nên thực hiện kiểm tra việc sử dụng bản quyền phần mềm tốt hơn để đảm bảo rằng họ đã được cấp phép sử dụng phần mềm hợp pháp và không sử dụng phần mềm bất hợp pháp.
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc bộ phận Sở hữu Trí tuệ, Công ty tư vấn luật Baker & McKenzie Việt Nam cho biết: “Các giám đốc quản lý dây chuyền phân phối của các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ thắt chặt kiểm soát để đảm bảo rằng các đối tác nước ngoài của mình tuân thủ qui định về cấp phép phần mềm trong các hợp đồng sản xuất. Các đối tác ở đây chính là những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và những nhà cung cấp nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm khác”. Hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng được chú trọng nhiều hơn trong thời gian gần đây, và việc ban hành Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh sẽ khuyến khích các nhà sản xuất Việt Nam trong việc chấp hành tốt hơn luật trong nước nếu họ không muốn phải đối mặt với nguy cơ đánh mất cơ hội trên thị trường Mỹ.
T.Hường