Thế nhưng, việc tăng lương tối thiểu vừa chưa mang lại lợi ích cho người lao động vừa còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Để có cơ sở tác động tăng lương tối thiểu vùng, Bộ LĐTBXH đang tiếp xúc với nhiều đại diện các tổng công ty, doanh nghiệp, nhất là đơn vị sử dụng nhiều lao động để đánh giá về cơ cấu tiền lương, bảo hiểm xã hội. Về phía Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (đại diện cho các doanh nghiệp) cũng tiến hành khảo sát tiền lương tối thiểu, nhằm đánh giá khả năng “chịu đựng” của doanh nghiệp khi tăng lương tối thiểu vùng 2017.
Lĩnh vực dệt may chịu nhiều tác động của tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: “Kinh nghiệm của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), thông thường mức tiền lương tối thiểu chỉ nên bằng khoảng 40 - 60% tiền lương bình quân trên thị trường là phù hợp”. Ông giải thích, nếu để mức quá cao thì về bản chất, lương tối thiểu đã trở thành lương thực trả cho người lao động. Việc tăng mức lương tối thiểu quá cao còn có thể gây tác động tiêu cực ngoài ý muốn, như: Không thúc đẩy cơ chế thương lượng tập thể những nội dung có lợi hơn cho người lao động và hạn chế người lao động, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Cùng quan điểm này, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết thêm, hiện nay, lương tối thiểu vùng 1 đã bằng 70% mức lương trung bình trên thị trường (mức trung bình là 4,7 triệu đồng). Điều này đã triệt tiêu tính khuyến khích và các hình thức thưởng liên quan để động viên người lao động.
Vì thực tế này, nên xu hướng hiện nay của doanh nghiệp là đánh đồng giữa lương tối thiểu vùng với mức lương thực nhận của người lao động. “Mức lương thực nhận lẽ ra phải dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động, trên cơ sở chất lượng công việc”, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐTBXH) chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động) cho biết: “Nếu tính theo tỷ lệ tăng thì Việt Nam có tỷ lệ tăng lương tối thiểu cao, nhưng thực tế lương tối thiểu hiện mới chỉ đáp ứng 80% cuộc sống tối thiểu. Việc tăng lương tối thiểu là động lực để người lao động tăng cường sự hợp tác với người sử dụng lao động, qua đó tăng năng suất lao động, nhưng trên thực tế việc tăng lương tối thiểu chưa đáp ứng được yêu cầu này”.
Nhiều doanh nghiệp phàn nàn việc tăng lương tối thiểu vùng đang là gánh nặng. Mỗi lần tăng lương thì chi phí nhân công tăng, dẫn đến doanh nghiệp hoặc phải cơ cấu lại lực lượng lao động hoặc phải co lại sản xuất. Trong khi đó, bản thân người lao động cũng chẳng hào hứng gì khi được tăng lương. Chị Bùi Thị Hiền, quê Hòa Bình, đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: Tăng lương năm 2016 được doanh nghiệp thực hiện, nhưng thực tế các khoản định mức và các khoản phụ cấp cũng bị giảm. Đó là chưa kể, mỗi đợt tăng lương tối thiểu lại là tăng giá thuê nhà, điện nước. Nếu tính chung ra, tăng lương tối thiểu vùng không thấm vào đâu.
Trước độ vênh còn quá lớn giữa các bên, theo bà Tống Thị Minh, việc sửa đổi Luật Lao động trong thời gian tới cần phải tăng cường đối thoại giữa các bên. Theo đó, việc định mức lương hoàn toàn do doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ đưa ra mức sàn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động ở mức an sinh xã hội thấp nhất.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội: Phương pháp tính lương tối thiểu vùng hiện nay của Việt Nam ít được các nước trên thế giới áp dụng. Hiện các nước đang xác định lương tối thiểu vùng theo giờ. Điều này cho phép người lao động có thể làm việc với nhiều chủ sử dụng lao động, nhiều hình thức lao động. Tiền lương theo giờ thúc đẩy năng suất lao động và phản ánh bản chất nền kinh tế thị trường. Do đó, Bộ LĐTBXH nên nghiên cứu cách tính lương tối thiểu khi đề xuất sửa Luật Lao động để phù hợp với thực tiễn đời sống. Luật sư Nguyễn Minh Anh: Tiền lương là căn cứ trả cho người lao động trên số lượng và chất lượng công việc đảm nhiệm. Thực chất, tăng lương tối thiểu vùng vừa qua là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội. Qua quá trình tư vấn lao động, tôi nhận thấy, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động bị áp lực vì tăng lương tối thiểu vùng đồng nghĩa với các khoản đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào. Trong khi đó, với các doanh nghiệp đã trả lương cao cho người lao động không bị áp lực tăng lương tối thiểu vùng nhưng chủ sử dụng lao động “lách luật” bằng cách chỉ đóng BHXH trên nền lương tối thiểu. Còn lương thực nhận điều tiết sang các khoản khác. Do đó, vấn đề thương lượng trong quan hệ lao động cần được tăng cường để tăng khả năng đàm phán về lương. Thực chất, tăng lương tối thiểu vùng tác động lớn đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Light: Luật Lao động sửa đổi nên có 1 chương nói về tiền lương, lương tối thiểu hoặc có luật chuyên ngành riêng về lương. Như vậy sẽ thống nhất cách tính lương hiện nay theo hướng các loại hình doanh nghiệp đều bình đẳng về mức sàn do Nhà nước quy định; tránh để tình trạng doanh nghiệp vốn Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mỗi nơi một cách tính lương. Bên cạnh đó, việc quy định rõ về cách tính lương tối thiểu vùng sẽ tạo sự thống nhất về các thành tố cấu thành lương tối thiểu và tạo sự đồng thuận giữa các bên. Nếu quy định chung chung như hiện nay, mỗi bên sẽ hiểu theo một kiểu; khi triển khai tại các doanh nghiệp, cũng mỗi nơi áp dụng theo một kiểu. |