Cụ thể, do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 đang và sẽ diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và dân sinh nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa nội dung phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2020 của Chính phủ; trong đó bao gồm việc hỗ trợ các địa phương từ ngân sách dự phòng Trung ương các chi phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân.
Theo đó, hỗ trợ chi phí đối với những việc như: Bơm nước, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng trữ nước, khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sạch, các thiết bị trữ nước, lọc nươc, chở nước sinh hoạt.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung nội dung hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng (theo quy định tại Điều 4, Luật Thủy lợi) vào Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các đơn vị khai thác công trình thủy lợi được hỗ trợ tiền cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định tại Nghị định 96.
Mức giá tối đa theo quy định tại Quyết định số 1050a/QĐ-BTC ngày 30/6/2018 quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích giai đoạn 2018 - 2020 đang bằng mức hỗ trợ được thực hiện từ năm 2013. Do đó, chỉ đủ trả lương cơ bản, chi phí quản lý doanh nghiệp, vận hành, một phần chi phí bảo trì nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Theo quy định tại Nghị định 96, các khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp chỉ được tính trong điều kiện thời tiết bình thường (nguồn nước bảo đảm các công trình thủy lợi có thể vận hành theo cống suất thiết kế), không bao gồm chi phí phòng chống thiên tai.
Trường hợp thời tiết bất lợi, xảy ra hạn hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, khoản hỗ trợ trên sẽ không đủ để thực hiện các giải pháp cần thiết, nên việc hỗ trợ các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi là cần thiết.
Do thiếu hụt lượng mưa trong mùa mưa năm 2019, lượng nước trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, dòng chảy trên sông suối đều ở mức thấp, sẽ dẫn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 ở mức nghiêm trọng.
Điển hình ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, các hồ chức thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng đang ở mức thấp; trong đó hồ chứa thủy điện Hòa Bình hiện chỉ trữ đạt khoảng 50% dung tích thiết kế, mức thấp nhất trong 30 năm qua, sẽ gây thiếu hụt nguồn nước.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn đã xảy ra từ giữa tháng 12/2019 và sẽ tiếp tục xuất hiện ở mức sâu và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương hoặc cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016, phạm vi xâm nhập mặn gồm 10/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ gây thiệt hại cho khoảng 332.000 ha lúa; 136.000 ha cây ăn quả và gây thiếu nước sinh hoạt cho 158.900 hộ dân.