Để xăng sinh học tiếp cận người tiêu dùng

Tính đến hết tháng 10/2010, chỉ có gần 3 triệu lít xăng E5 được tiêu thụ trên cả nước, chiếm khoảng 20% lượng xăng tiêu thụ trên hệ thống PV OIL và PETEC. Tuy lượng xăng E5 tiêu thụ có tăng nhưng sản lượng ít ỏi trên cũng cho thấy, người tiêu dùng chưa có điều kiện tiếp cận dễ dàng với loại nhiên liệu sạch này. Để khắc phục thì một chính sách khuyến khích sử dụng xăng sinh học là rất cần thiết.

Thuyết phục người tiêu dùng

Theo dự kiến, cuối năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ sản xuất cồn sinh học để pha chế 4,8 triệu m3 xăng E5, đáp ứng khoảng 60% tổng nhu cầu tiêu thụ xăng toàn quốc. Trong khi đó, theo tính toán thì năm 2012 sản lượng xăng E5 sẽ tiêu thụ trong các đơn vị là 2,37 triệu m3, chiếm khoảng 32,7%, phần còn lại sẽ phân phối cho các đơn vị kinh doanh khác ngoài Tập đoàn.

Sử dụng nhiên liệu sạch, sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi ùn tắc giao thông. ảnh: Sĩ Dũng

Việc pha chế và kinh doanh xăng E5 được Tập đoàn giao cho Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) triển khai. Từ đầu tháng 8 đến nay, PV OIL đã triển khai phân phối xăng E5 tại 29 điểm và cung cấp xăng E5 cho 8 điểm bán khác thuộc hệ thống PETEC. Sản lượng xăng E5 tăng đều hàng tuần, có nhiều đơn vị, cá nhân liên hệ PV OIL đăng ký làm đại lý cho thấy, xăng E5 đã và đang dần chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Thực tế, việc pha cồn sinh học vào xăng có ý nghĩa thay thế chất MTBE (vốn rất độc hại) nhằm tăng trị số ốctan của xăng, giúp giảm hiện tượng kích nổ nên nhiên liệu cháy kiệt hơn, giảm xăng thừa và giảm khí thải độc hại. Không những đem lại các lợi ích về kinh tế xã hội mà xăng sinh học E5 còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và cải thiện kinh tế nông thôn thông qua việc tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện nay, giá thành NLSH phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu đầu vào, trong đó chủ yếu là sắn. Nhưng giá sắn lát trên thị trường thường không ổn định do phụ thuộc vào năng lực của các ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất tinh bột và xuất khẩu. Bên cạnh đó, đây còn là loại cây không được khuyến khích trồng quy mô lớn nên việc quy hoạch hợp lý rất cần các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ Nhà nước trong công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ và vốn. Có như vậy, giá cồn sinh học mới ổn định và sản phẩm xăng pha cồn E5 mới có thể cạnh tranh với xăng thường.

Ngoài ra, xăng E5 có một số đặc tính kỹ thuật đặc thù và dễ bị tách pha, cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho pha chế, lưu trữ và phân phối. Theo tính toán của ông Đinh La Thăng - Chủ tịch PVN, trung bình một cửa hàng phải đầu tư khoảng 90 triệu đồng để nâng cấp, cải tạo và 3,2 tỷ đồng cho mỗi hệ thống phối trộn tại tổng kho. Như vậy, với 4.000 cửa hàng xăng dầu và các hệ thống phối trộn xăng E5, cần phải đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Đây là một khó khăn lớn về vốn đầu tư cho doanh nghiệp khi muốn tham gia vào thị trường mới mẻ này.

Mặt khác, thị trường NLSH trong nước chỉ mới hình thành, doanh nghiệp sản xuất xe máy, ô tô chưa sẵn sàng đầu tư cải tạo động cơ cho phù hợp với xăng pha cồn và người dân vẫn còn e dè do thiếu thông tin. Việc truyền thông cần Chính phủ hỗ trợ về tài chính và pháp luật mới có thể đạt hiệu quả cao thay vì chỉ dựa vào sự chủ động của doanh nghiệp hạn chế về vốn và tầm ảnh hưởng.

Để xăng sinh học E5 sớm được ứng dụng rộng rãi vào đời sống thì trước hết phải xây dựng lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH theo một tỷ lệ nhất định. Song song đó, các quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống tồn trữ, pha chế xăng E5 tại các kho xăng, cửa hàng có bán xăng E5 cần được nghiên cứu và sớm ban hành để việc sản xuất và kinh doanh NLSH an toàn, đúng pháp luật.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN