Đối với kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Nghị định đã cắt giảm 10 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện; trong đó đã bỏ điều kiện người đại diện phần vốn góp của tổ chức tại Công ty TNHH kiểm toán phải là kiểm toán viên hành nghề khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; cắt giảm một số điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tương tự như đối với lĩnh vực kế toán.
Đối với điều kiện tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, Nghị định đã giảm điều kiện về thời gian hoạt động kiểm toán, bỏ điều kiện yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm toán được tối thiểu 20 đơn vị có lợi ích công chúng hàng năm, bỏ các quy định về hệ thống kiểm soát chất lượng, thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khi cấp phép.
Trong lĩnh vực kinh doanh xổ số, Nghị định đã cắt giảm 4 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện; trong đó đã bãi bỏ các quy định về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức quản lý, tiêu chuẩn của người quản lý doanh nghiệp.
Với lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Nghị định đã cắt giảm 4 điều kiện: về an ninh, trật tự; thời gian lưu trữ hình ảnh; điều kiện về người quản lý điều hành; điều kiện về phương án kinh doanh.
Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Nghị định cắt giảm 2 điều kiện, đơn giản hóa 5 điều kiện. Theo đó, đã bãi bỏ điều kiện, thủ tục có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có văn bản cam kết thực hiện các quy trình nghiệp vụ; bỏ yêu cầu về kế hoạch kinh doanh, kế hoạch nhân sự; cắt giảm điều kiện, tiêu chuẩn trở thành Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng xếp hạng tín nhiệm, chuyên viên phân tích.
Trong lĩnh vực kinh doanh casino, Nghị định đã cắt giảm 1 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP, trong đó bỏ quy định trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh casino, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, đơn giản điều kiện về người quản lý, điều hành.
Đối với kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, Nghị định cắt giảm 2 điều kiện, đơn giản hóa 4 điều kiện về phương án đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh, cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, cam kết về việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện, Nghị định đơn giản hóa 2 điều kiện, gồm điều kiện doanh nghiệp không bị kiểm soát đặc biệt và điều kiện doanh nghiệp có dự kiến doanh thu, chi phí trong phương án kinh doanh.
Về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Nghị định đã cắt giảm 19 điều kiện, đơn giản hóa 7 điều kiện; trong đó đối với tổ chức Việt Nam thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, dự thảo Nghị định đã bãi bỏ điều kiện là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bãi bỏ điều kiện ban đầu mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng (như được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đóng trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động).
Dự thảo Nghị định cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện liên quan đến việc thành lập và hoạt động công ty chứng khoán; điều kiện bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán; điều kiện công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày; điều kiện công ty chứng khoán thành lập chi nhánh, bổ sung nghiệp vụ tại chi nhánh, thành lập phòng giao dịch…
Đặc biệt, Nghị định đã đơn giản hóa điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán (từ 100 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng); giảm điều kiện về Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức kinh doanh chứng khoán; bãi bỏ điều kiện tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán không có lỗ lũy kế; bãi bỏ điều kiện tài chính để công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ gồm điều kiện không có lỗ lũy kế bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ và điều kiện tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần.
Đồng thời, cùng với việc cắt, giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện rà soát các quy định về hồ sơ, thủ tục có liên quan để sửa đổi, bãi bỏ ngay tại Nghị định, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, để tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, có nghĩa Nghị định có hiệu lực ngay khi được Chính phủ ký ban hành.