Theo đó, Ban Quản lý dự án đường sắt dự kiến tổng mức đầu tư dự án hơn 2.206 tỷ đồng. Nguồn vốn từ vốn ngân sách Nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải.
Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây nối Côn Minh (Trung Quốc) với Hải Phòng (Việt Nam), đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên - Trung Quốc với các tỉnh miền Bắc Việt Nam đến cảng biển Hải Phòng.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận trên tuyến đường sắt qua cửa khẩu này tương đối lớn. Tuy nhiên, vận tải đường sắt còn khó khăn do “vênh” khổ đường. Cụ thể, hiện nay đường sắt Trung Quốc đã chuyển đổi sang khổ đường 1.435mm từ năm 2014. Điểm cuối của mạng đường khổ này là ga mới Hà Khẩu Bắc và chỉ còn vài tuyến ngắn khu vực biên giới có đấu nối khổ 1.000mm. Do đó, tàu Việt Nam từ ga Lào Cai sang Trung Quốc chỉ đến được các ga Hà Khẩu, Sơn Yêu và Hà Khẩu Bắc.
Tại ga Hà Khẩu Bắc, hàng hóa sẽ phải chuyển tải, sang toa mới đi tiếp được vào mạng đường sắt Trung Quốc. Còn ngược lại, tàu Trung Quốc cũng không thể sang Việt Nam để xếp hàng và quay trở lại đi trên mạng đường sắt Trung Quốc.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đánh giá, khó khăn về kỹ thuật này phát sinh chi phí sang toa, chuyển tải hàng hóa từ tàu Việt Nam (khổ 1.000mm) sang tàu Trung Quốc (khổ 1.435mm). Trong khi đó, theo UBND tỉnh Lào Cai, tuyến hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai về Hải Phòng khi nhu cầu tăng lên trên 3 triệu tấn/năm thời gian tới.
Mặt khác, việc này cũng không san sẻ được áp lực với cửa khẩu đường bộ khi hàng xuất nhập khẩu thông quan quá tải, trong khi cửa khẩu đường sắt có đầy đủ các bộ phận liên quan như: hải quan, biên phòng, kiểm dịch...
Vì vậy, dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc khi hoàn thành sẽ giúp Việt Nam chủ động chuyển tải hàng hóa và hành khách tại ga Lào Cai; tăng nhanh thời gian lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; giảm chi phí vận tải đường sắt, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tăng thêm thị phần vận tải đường sắt.
Tại tờ trình Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, về quy mô dự kiến đầu tư, có 3 phương án nối ray giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc. Tuy nhiên, đơn vị này đề xuất chọn phương án 3 nhằm xử lý triệt để bình diện tuyến đường, nâng cao tốc độ khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải, an toàn, duy tu bảo dưỡng đơn giản hơn, tránh lãng phí. Đồng thời, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài, phù hợp quy hoạch tuyến đường sắt khổ 1.435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, phương án tuyến thực hiện nối ray bằng khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm tại vị trí cầu Hồ Kiều mới cách cầu cũ 2,5km về phía thượng lưu, tuyến rẽ phải đi theo hướng tuyến mới cắt QL70 và vượt sông Nậm Thi tại điểm cách cầu Hồ Kiều hiện tại khoảng 2,5km về phía thượng lưu. Sau khi vượt sông Nậm Thi, tuyến chập vào cửa hầm hiện tại của tuyến đường sắt khổ 1.000mm Hà Khẩu Bắc - Hà Khẩu. Tuyến tiếp tục đi theo tuyến đường sắt khổ 1.000mm sau đó kết nối về ga Hà Khẩu Bắc.
Về quy mô đầu tư, dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc đề xuất: Điểm đầu tại ga Lào Cai (Km294+775) trên tuyến đường sắt khổ 1000mm hiện có của đường sắt Việt Nam; điểm cuối là điểm chính giữa của cầu Hồ Kiều (mới).
Dự án gồm 3 hạng mục chính. Đối với phần đường sắt, dự án sẽ cải tạo khoảng 3km đường ga Lào Cai hiện tại thành đường khổ lồng 1.435mm và 1.000mm; xây dựng đường xếp dỡ, kho bãi hàng đạt công suất 5 triệu tấn/năm. Cùng đó, nâng cấp cải tạo khoảng 200m tuyến đường hiện có thành đường lồng 1.435mm và 1.000mm từ ga Lào Cai đến điểm đầu cải tuyến mới; xây dựng mới 2.850m tuyến đường lồng 1.435mm và 1.000mm, từ đầu bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều mới (điểm dự kiến kết nối).
Về phần hầm, dự kiến xây dựng mới 1.700m hầm đường sắt khổ lồng 1.435mm và 1.000mm. Đối với phần cầu, dự án sẽ xây dựng mới khoảng 180m cầu bao gồm: cầu Hồ Kiều mới phía Việt Nam vượt sông Nậm Thi dài khoảng 50m (toàn bộ cầu dài 100m) và khoảng 130m cầu vượt Quốc lộ 70.
“Việc khai thác vận tải bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc được thực hiện trên khổ 1.435mm chạy thẳng giữa hai nước để giải quyết được vấn đề bất cập trong tổ chức khai thác vận tải, giảm giá thành vận tải, không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và đã được địa phương đồng thuận. Ngoài ra, tuyến sẽ được tận dụng lại toàn bộ cho dự án đường sắt khổ 1.435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tương lai”, Tờ trình nêu rõ.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cũng cho biết, theo phương án trước đây, dự án này đã được bố trí 583 tỷ vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để thực hiện. Với phương án đề xuất hiện nay, sẽ cần thêm khoảng 1.623 tỷ đồng.
“Với số vốn còn thiếu, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục bố trí vốn trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 của Chính phủ để báo cáo Quốc hội”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.