Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 4.770 tỷ đồng thành hơn 6.209 tỷ đồng.
Nguyên nhân điều chỉnh tốc mức đầu tư Bộ Giao thông vận tải lý giải là do tăng chi phí giải phóng mặt bằng thêm khoảng 353 tỷ đồng khi cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế; chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng và cập nhật lại đơn giá, định mức.
Cơ cấu nguồn vốn dự án cũng có sự thay đổi so với Quyết định số 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, vốn vay ODA của Quỹ hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) khoảng hơn 4.462 tỷ đồng (tương đương 189,42 triệu USD), được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA. Tại phương án cũ, giá trị vốn vay ODA được xác định khoảng hơn 3.677 tỷ đồng.
Vốn đối ứng khoảng hơn 1.747 tỷ đồng, được sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công), chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước… theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ. Tại phương án cũ, giá trị vốn đối ứng khoảng hơn 1.093 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 có chiều dài tuyến khoảng 26,56 km đi qua huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km96+875 (lý trình N2) thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (điểm đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Theo phương án thiết kế, tuyến cao tốc sẽ được đầu tư mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe với bề rộng mặt đường 30,75m.
Trong giai đoạn 1, mặt cắt ngang được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường 16m, vận tốc khai thác 80 km/giờ. Dự án có thời gian thực hiện trong vòng 5 năm kể tính từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực.