Theo đó, tại đề nghị xây dựng dự án sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011, Bộ Tài chính cho rằng qua thực tiễn 12 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai khung pháp lý về kiểm toán độc lập bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, hạn chế.
Cụ thể, các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán viên và chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa thật sự hiệu quả, các chế tài chưa đủ mạnh, đầy đủ và hiệu lực cho các hoạt động nghề nghiệp, việc xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính răn đe.
Theo Bộ Tài chính, cơ quan trực tiếp kiểm tra lại không có thẩm quyền xử phạt, thời hiệu xử phạt đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập chỉ là 1 năm, vì vậy có trường hợp không thể xử phạt được đối tượng vi phạm vì đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 16; khoản 3 Điều 18; điểm b khoản 4 Điều 21; khoản 1, khoản 2 Điều 29; Điều 37; khoản 8 Điều 39; khoản 4 Điều 53; khoản 2 Điều 54; Điều 60 của Luật Kiểm toán độc lập.
Bộ Tài chính cho rằng Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (Nghị định số 41) có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, xử phạt chưa đủ tính răn đe do mức xử phạt thấp, đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Thời hiệu xử phạt không phù hợp, chỉ 1 năm đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập nên hầu hết các trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm thì đều đã hết thời hiệu xử phạt, không xử phạt được.
Do đó, các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm đều không sợ và không ngại vi phạm các quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn nê phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm về kiểm toán độc lập tại dự thảo Luật Kiểm toán độc lập để phù hợp với thông lệ quốc tế và tiền lệ của các quy định liên quan khác như quy định về xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán.
Bộ Tài chính đề xuất sửa tăng mức phạt tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ hành nghề kiểm toán, không tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, không tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập.