GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu thu hút và sử dụng FDI với một số chỉ tiêu cụ thể: Vốn đăng ký 2021-2025 đạt từ 150-200 tỷ USD; năm 2026-2030 đạt 200-300 tỷ USD. Vốn thực hiện năm 2021-2025 đạt 100-150 tỷ USD; năm 2026-2030 đạt 150-200 tỷ USD; trong đó, tỷ lệ nội địa hoá lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, để thực hiện các mục tiêu trên cần những giải pháp mang tính tổng thể và cụ thể như hoàn thiện thể chế, pháp luật có liên quan tới FDI, gồm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh. Mặt khác, nghiên cứu các mô hình như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính; xây dựng chiến lược phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2021-2030; chủ trương về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Cùng với đó, trong các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút sử dụng FDI, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, rà soát hoàn thiện đồng bộ chính sách về đầu tư với các luật pháp chuyên ngành, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, quan trọng nhất là cần đổi mới nhận thức và thống nhất hành động. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát về đầu tư đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ cho rằng, vấn đề thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề lớn rất cần được quan tâm ở thời điểm hiện tại. Ông Hùng cho rằng, nếu không được giải quyết thấu đáo, trong vòng từ nay tới cuối năm sẽ có tác động đa chiều và đa phần là bất lợi cho môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.
“Báo cáo về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nên bổ sung nghiên cứu thực tế thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động ra sao tới tư tưởng của các nhà đầu tư lớn, tìm ra kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng xử với thoả thuận nêu trên. Từ góc nhìn doanh nghiệp đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ để tìm được tiếng nói chung”, ông Hùng đề xuất.
Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, với kinh nghiệm làm việc lâu năm với các nhà đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong có thể xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà đầu tư trong nước. Vấn đề của Việt Nam là làm sao khuyến khích, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, tạo điều kiện để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn, phù hợp với mong muốn, chính sách phát triển trong nước.
Về thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ông Nguyễn Công Ái cho rằng, nếu Chính phủ chỉ giao Bộ Tài chính làm thì rất khó khăn và mất thời gian, vì đây là vấn đề lớn, liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, đánh giá tổng thể chính sách thu hút đầu tư.
“Hội thảo về "Thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu" dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2022 sẽ đưa ra được các nghiên cứu về ảnh hưởng của thoả thuận này với các nước phát triển như Việt Nam và cách ứng xử của một số quốc gia khi đã tham gia thoả thuận”, ông Ái cho biết.