Văn bản của Bộ Giao thông vận tải cho hay, thời gian vừa qua, công an TP Hồ Chí Minh, công an thành phố Hà Nội và công an một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã điều tra, phát hiện một số sai phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới; đã đình chỉ hoạt động nhiều trung tâm đăng kiểm, khởi tố vụ án và ra lệnh bắt tạm giam nhiều bị can liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.
Đây là chuyên án quan trọng của lực lượng Công an nhân dân, thể hiện sự quyết liệt, hiệu quả, thượng tôn pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc tạm đình chỉ một số trung tâm đăng kiểm để phục vụ công tác điều tra, đặc biệt tại khu vực thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng một số địa phương vào thời điểm cuối năm và dịp tết trong khi nhu cầu kiểm định kỹ thuật phương tiện xe cơ giới của người dân, doanh nghiệp tăng cao đã khiến tình trạng ùn tắc trong công tác kiểm định xe cơ giới xảy ra.
Để giảm tình trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay trên cả nước, đặc biệt là giai đoạn trước và sau dịp Tết nguyên đán Quý Mão, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Công an xem xét và có ý kiến với Công an các địa phương rà soát, trong trường hợp không ảnh hưởng đến công tác điều tra, cho phép các Trung tâm đăng kiểm đang bị tạm dừng hoạt động được tạm thời hoạt động trở lại, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm thiết yếu của người dân và doanh nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, đồng thời chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có kế hoạch, sắp xếp nhân lực, thiết bị máy móc đảm bảo đáp ứng ngay khi các Trung tâm đăng kiểm được phép hoạt động trở lại; phối hợp cùng Công an các địa phương để thống nhất phương án triển khai thực hiện trong quá trình chỉ đạo điều tra, xử lý sai phạm liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm theo đúng quy định của pháp luật.
Trong một diễn biến liên quan, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lực lượng thuộc công an thành phố Hà Nội và công an thành phố TP Hồ Chí Minh đang đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Sai phạm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến nhiều trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa tại Hà Nội chỉ còn 20 trên tổng số 31 trung tâm đang hoạt động (11 trung tâm bị đóng cửa), trong khi tại TP Hồ Chí Minh chỉ còn 8 trung tâm và 1 chi nhánh trên tổng số 17 trung tâm và 2 chi nhánh đang hoạt động (9 trung tâm và 1 chi nhánh bị đóng cửa). Điều này gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp đưa phương tiện đi kiểm định.
Việc điều tra và phát hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới là một chiến công lớn của lực lượng Công an nhân dân, góp phần chấn chỉnh, làm trong sạch bộ máy ngành đăng kiểm. Việc này đã có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ công nhân viên trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới nói riêng và toàn ngành đăng kiểm nói chung.
Tuy nhiên việc bắt giữ và tạm dừng số lượng lớn trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên trong một thời gian ngắn dẫn đến thiếu hụt trung tâm đăng kiểm và nhân lực để thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện ô tô trên nhiều địa bàn đặc biệt là thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Việc thiếu hụt này đã dẫn tới hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng các phương tiện khi đi kiểm định, ảnh hưởng tới nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp, gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế xã hội. Cụ thể như gây ách tắc trong hoạt động vận tải và lưu thông hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông do nhiều phương tiện hết hạn kiểm định nhưng vẫn lưu thông hoặc có thể bị xử phạt oan do ùn tắc chưa được kiểm định...
Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cũng vừa có văn bản yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm chủ động bố trí hợp lý nhân lực để làm thêm thời gian (kể cả ngày nghỉ) nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân thủ đô.
Theo đó, Sở yêu cầu các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đồng thời, động viên tinh thần tới các cán bộ, công nhân viên của đơn vị nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Như TTXVN, thời gian qua, cả nước đã có hơn 80 cá nhân vi phạm bị bắt giữ hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án: "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang…
Ngày 11/1, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Công an TP Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa.
Sơ bộ ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật và các Trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Một số Trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới. Ví dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên thì họ không có ai; thậm chí có giám đốc 1 Trung tâm kiểm định không viết được, không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D Nhà Bè.
"Những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân," Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.