Dệt may, da giầy kiềm chế nhập siêu

5 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập siêu 2,97 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, để có thể kiềm chế nhập siêu năm nay ở mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thì phải đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng đến những ngành hàng chủ lực như dệt may, da giầy.

Tăng trưởng ấn tượng

5 tháng đầu năm, trong khi một số ngành hàng như nông sản, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản... có kim ngạch xuất khẩu giảm thì nhóm ngành dệt may, da giầy vẫn có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,11 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Theo Bộ Công Thương, đơn hàng sản xuất quý II/2015 của doanh nghiệp (DN) ngành dệt may rất khả quan, có gần 62% DN sản xuất trang phục có đơn hàng tăng so với quý đầu năm.

Còn đối với ngành da giầy, tính chung 5 tháng đầu năm 2015, sản lượng giầy dép da ước đạt 130,7 triệu đôi, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 5 tháng đầu năm ước đạt 4,6 triệu USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

Bà Phan Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy - túi xách Việt Nam, cho biết, do các đơn hàng với các hãng giầy lớn còn hiệu lực và có xu hướng gia tăng thêm về số lượng đơn đặt hàng nên mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 13,5 - 14 tỷ USD của ngành da giầy trong năm nay có thể sẽ đạt được.

Để có được những con số xuất khẩu ấn tượng như trên, các DN trong ngành đã không ngừng nỗ lực. Chẳng hạn như với Tổng công ty Đức Giang, năm 2015, khó khăn không chỉ về thị trường mà sức ép về giá cũng rất lớn do các đối tác may Trung Quốc luôn chào giá rất thấp. Để ứng phó với điều này, Tổng giám đốc Phạm Tiến Lâm cho biết, Tổng công ty đã phải cắt giảm chi phí, áp dụng công nghệ sản xuất tinh gọn LEAN và 5S, góp phần tăng năng suất đến 15 - 18%. Đồng thời, May Đức Giang chủ động tìm những đối tác, đơn hàng bổ sung, đặc biệt là kết nối với những thương hiệu lớn. Năm 2015, DN này phấn đấu đạt mức tăng trưởng 25% so với năm trước, doanh thu đạt 2.400 - 2.500 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 100 triệu USD.

Tận dụng các FTA

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may vẫn đang gia tăng nhằm đón đầu các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP, FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc... Ngành dệt may Việt Nam được nhận định sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do nhiều dòng thuế sẽ giảm về 0%. Cùng với ngành dệt may, da giầy cũng được dự báo đón nhận nhiều lợi thế khi các FTA có hiệu lực. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có 55,7% DN da giầy có đơn hàng xuất khẩu tăng trong quý 2/2015.

Chỉ tính riêng FTA Việt Nam - Hàn Quốc vừa được kí kết sẽ cho phép nguyên phụ liệu may mặc nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam có mức thuế rất thấp, khuyến khích DN Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực này để xuất hàng trở lại Hàn Quốc và các thị trường khác. Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, lượng đầu tư vào dệt may từ Hàn Quốc sang Việt Nam sẽ tăng mạnh. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều dự án của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam như Nhà máy sản xuất hàng may mặc Onewoo, Dự án đầu tư nhà máy dệt, nhuộm, may Tam Thăng (Tam Kỳ, Quảng Nam), Dự án Nhà máy may In Kyung Vina Co. Ltd...

Hàn Quốc đang chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai của Việt Nam sang Hàn Quốc, chỉ sau thủy sản. Với việc FTA giữa hai nước được kí, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ duy trì ở mức cao, tăng 27 - 30% so với năm 2014. Các DN Hàn Quốc đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần như cung ứng nguyên, phụ liệu, các ngành phụ trợ, đặc biệt là dệt nhuộm.

Vừa qua, FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng đã được ký sau hai năm đàm phán. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngành có lợi thế nhất khi tham gia FTA này là thủy sản, dệt may và da giầy. Trong đó, ngành da giầy được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Dệt may có một số nhóm hàng giảm thuế 0%, còn một số khác sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm. Theo đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang liên minh này sẽ tăng khoảng 18 - 20% hàng năm.

Rõ ràng, các FTA mà Việt Nam đã kí kết sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho các xuất khẩu dệt may, da giầy. Điều mà các DN Việt Nam cần làm là không ngừng nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm để thỏa mãn các yêu cầu của đối tác, hướng đến tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế.

Hoàng Dương
Cơ hội xuất khẩu cho dệt may, da giày, nông sản
Cơ hội xuất khẩu cho dệt may, da giày, nông sản

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang đến cho Việt Nam thêm cơ hội xuất khẩu các mặt hàng dệt may, da giày, nông sản... vào thị trường EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN